Tín lý Hội Thánh

TÍN LÝ

HỘI THÁNH LIÊN HỮU CƠ ĐỐC VIỆT NAM

 

Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam đặt nền tảng tín lý trên Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước (gồm 66 quyển), và có cùng hệ thống tín lý của Hệ phái Giám lý. Được cô đọng trong quyển Giáo Lý Căn Bản (Điều Tâm Linh Bạn Cần Biết)

 

CHƯƠNG 1:

ĐỨC CHÚA TRỜI

– Chúng ta tin Đức Chúa Trời thực hữu, con người hữu hạn không thể hiểu đầy đủ về Đấng vô hạn. Nhưng qua hiểu biết về thế giới vĩ mô, cũng như vi mô, chúng ta thấy có sự vận chuyển trật tự, hài hòa và phối trí để đạt mục đích tốt đẹp, chúng ta tin có sự hiện diện của Đấng khôn ngoan tối cao đằng sau các sự tiến triển đó.

– Lòng tin nơi Đấng Tối Cao là nguyên thức là thuộc tính bẩm sinh vốn sẵn có trong con người. Đây là“bản năng tín ngưỡng”.

– Thuần lý trí chúng ta không thể hiểu đầy đủ về sự mầu nhiệm Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Phải đợi đến khi đạt được sự khôn ngoan trọn vẹn của Thiên Đàng (Một trẻ lên ba chưa biết phép nhân không thể hiểu tại sao 1x1x1=1).

– Thượng Đế là Đấng Thần Linh (không là hữu thể vật chất và không bị vật chất hạn chế). Đấng Hằng Hữu, Đấng Bất Biến, Đấng Toàn Năng, Đấng Toàn Tri, Đấng Toàn Tại, Đấng Vô Hạn, Đấng Bất Khả Tư Nghị, Đấng Thánh Khiết, Đấng Công Nghĩa, Đấng Nhân Ái, Đấng Chân Thành.

 

CHƯƠNG 2:

KINH THÁNH

Đức Chúa Trời tự mặc khải về Ngài qua vũ trụ và các tạo vật, qua Chúa Cứu Thế Jêsus (sự mặc khải sống động nhất) và qua Thánh Kinh (sự mặc khải rõ ràng, phong phú).

Kinh Thánh gồm Cựu Ước 39 quyển và Tân Ước 27 quyển do hơn 40 trước giả, ghi chép trong gần 2.000 năm nhưng hiệp nhất một cách kỳ diệu và hướng về một trọng tâm.

Mọi người sẽ được lợi ích lớn bởi Kinh Thánh, vì Kinh Thánh: Giúp đỡ khi cần con đường cứu rỗi. Can đảm khi sợ hãi. Bình an khi lo lắng. Vơi nhẹ khi đau đớn. Soi dẫn khi quyết định. Yên nghỉ khi mệt mỏi. An ủi khi buồn thảm. Vững vàng khi bị cám dỗ. Cảm tạ khi biết ơn. Vui mừng khi được tha thứ.

Để hưởng được những phước hạnh đó chúng ta cần phải: nghe, đọc, học, suy gẫm và làm theo Lời Kinh Thánh.

 

CHƯƠNG 3:

CON NGƯỜI

Chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời dựng nên loài người theo hình ảnh Ngài.

Con người là tạo vật ưu mỹ của Đức Chúa Trời, có vị cách, có lòng đạo đức và có linh hồn bất diệt.

Đức Chúa Trời ban cho con người sự tự do thờ phượng tương giao với Ngài hoặc chối bỏ và bất phục tùng Đấng tạo dựng nên mình. Dầu vậy, khi nhân loại sa ngã, Chúa đã dự bị phương pháp cứu rỗi.

 

CHƯƠNG 4:

TỘI LỖI

Theo Thánh Kinh: “tội lỗi là không đạt tiêu chuẩn Đức Chúa Trời đã quy định”. Con người phạm tội vì chối bỏ Cha Thiên Thượng, làm trái luật pháp của Ngài, không làm điều lành như đáng phải làm và những tư tưởng lời nói hành động trái với lương tâm.

– Hậu quả của tội lỗi vừa có tính tâm linh vừa vật chất, vừa trong cõi đời này vừa trong cõi đời đời như: Đưa tội nhân đến đau khổ, biến tội nhân thành tội nô, làm cho tội nhân phân cách với Đức Chúa Trời, ném tội nhân vào nơi khóc lóc nghiến răng.

– Mọi người bất lực trong tội, làm được đôi điều gọi là thiện, nhưng trong ánh sáng mắt Chúa chỉ là áo nhớp.

 

CHƯƠNG 5:

CHÚA CỨU THẾ

Trước tình cảnh con người tuyệt vọng trong tội lỗi. Đức Chúa Trời không trừng trị tất cả, cũng không tha thứ tất cả bất chấp công lý thiên thượng. Ngài mở một con đường cứu rỗi được thực hiện bởi Chúa Cứu Thế Jêsus.

Đấng Cứu Thế được thai dựng bởi quyền năng Đức Thánh Linh và sanh bởi trinh nữ Ma-ri. Chúa Jêsus vừa là Thượng Đế thật vừa là con người thật. Vì Ngài có cả Thần tánh và nhân tánh, Ngài là Đấng Trung Bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người.

Trước khi Chúa Jêsus Giáng Sinh đã có rất nhiều chi tiết tiên tri về Ngài. Chính Ngài cũng nhiều lần báo trước về sự chết gánh tội thay cho con người. Vì vậy sự chết không đến cách bất ngờ với Ngài. Cả sự Phục Sinh của Chúa Jêsus cũng được các tiên tri từ xưa đã dự báo.

Chúa Jêsus là Đấng duy nhất chiến thắng sự chết. Ngài đã nhiều lần hiện ra với các môn đồ, có lần đến hơn 500 người xem thấy.

Chúa Jêsus đã thăng thiên trước sự chứng kiến của các môn đệ. Trong nước Trời, Ngài cầu thay cho chúng ta và sắm sẵn cơ nghiệp vinh hiển cho kẻ trung tín.

Chúa Jêsus sẽ trở lại tiếp đón con cái của Ngài: Ngài dự báo hàng trăm điều về sự tái lâm. Riêng ngày và giờ chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng biết trước mà thôi.

 

CHƯƠNG 6:

SỰ CỨU RỖI

Sự cứu rỗi là việc được thực hiện bởi Chúa Jêsus để giải thoát con người ra khỏi địa vị tội nô và đem con người trở về cùng Đức Chúa Trời.

Phần con người muốn được cứu rỗi phải chân thành ăn năn và hết lòng tin cậy Chúa Cứu Thế.

Ăn năn là sự thay đổi ý thức và thái độ về Đức Chúa Trời và về tội lỗi gồm có: biết mình đã phạm tội, buồn rầu về tội, quyết chí từ bỏ tội và trở về cùng Đức Chúa Trời.

Đức tin để hưởng được ơn cứu rỗi  là động tác của cả tâm linh con người quyết định tiếp nhận Chúa Cứu Thế và phó thác đời mình cho Ngài.

Đã được cứu, con cái Chúa không để cảm giác đánh lừa và cũng không để ma quỷ gieo nghi ngờ, cũng không ỷ lại, khinh lờn đến nỗi trật phần ân điển.

 

CHƯƠNG 7:

ĐỨC THÁNH LINH

– Đức Thánh Linh là ngôi thứ ba trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi, còn được xưng là Thần của Đức Giê-hô-va, Thần Lẽ Thật, Đấng Yên Ủi.

– Đối với Hội Thánh: Đức Thánh Linh khai sanh Hội Thánh trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Đức Thánh Linh lãnh đạo Hội Thánh và Đức Thánh Linh kiện toàn Hội Thánh.

– Đối với môn đồ: Đức Thánh Linh tái sanh môn đồ; thánh hóa môn đồ; ban quyền năng đắc thắng cho môn đồ; ban khôn sáng cho môn đồ; gợi nhớ Lời Chúa cho môn đồ; giúp môn đồ đạt được những mỹ đức của Chúa; giúp môn đồ cầu nguyện đẹp ý Chúa; cảm động môn đồ ca ngợi và cảm tạ Đức Chúa Trời; ban linh ân cho môn đồ rao truyền chân lý cho mọi người.

– Đối với tội nhân: Đức Thánh Linh làm chứng về Chúa Jêsus qua Kinh Thánh và qua môn đồ. Ngài thuyết phục tội nhân về tội lỗi, sự công bình và sự phán xét.

– Chúa muốn chúng ta ăn năn tội, tiếp nhận Chúa Jêsus để nhận lãnh Đức Thánh Linh; chúng ta cũng phải vâng phục Đức Thánh Linh và nương cậy Đức Thánh Linh.

 

CHƯƠNG 8:

SỰ THỜ PHƯỢNG

– Đối tượng thờ phượng của chúng ta là Đức Chúa Trời Ba Ngôi.

– Kinh Thánh nhiều lần khẳng định, chúng ta tuyệt đối không được sử dụng hình tượng trong sự thờ phượng. Chỉ thờ phượng Chúa theo lẽ thật Kinh Thánh và với cả tâm linh.

– Khi thờ phượng Chúa chúng ta không khiếp sợ như nô lệ, nên nhớ Chúa là Cha Thiên Thượng, cũng không suồng sã, khinh xuất vì Đức Chúa Trời là Thượng Đế Tối Cao.

– Trong giờ thờ phượng phải tích cực ca ngợi, cầu nguyện và sốt sắng tiếp nhận Lời Chúa dạy, cũng phải vui tươi, sinh động nhưng trật tự và tham dự trọn giờ thờ phượng.

– Chúng ta phải hiếu kính cha mẹ, ghi nhớ công ơn các bậc tiên hiền, nên tổ chức lễ kỷ niệm, để mọi người hiểu biết tiểu sử, gương lành. Nhân đó đại gia đình nhắc nhau sống sáng danh Chúa và rạng danh tổ tiên. Tuy nhiên, chúng ta không mời người quá cố về ăn cỗ hay hưởng hơi. Nói chung, phải trung thành với chân lý Kinh Thánh và bảo tồn những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

– Các loại bùa chú, ma thuật, bói toán, đồng cốt… đều bị quyền lực tối tăm lợi dụng, chúng ta phải tránh xa. Chúa không chấp nhận chúng ta hai lòng, vừa tôn thờ Chúa Tối Cao, vừa hối lộ hoặc thông đồng với ma quỉ.

 

CHƯƠNG 9:

SỰ CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện là tương giao với Đức Chúa Trời thân kính như con với Cha, mật thiết như cành nho với cây nho.

– Năm yếu tố khi cần có trong khi cầu nguyện: xưng tội, cảm tạ, cầu thay, cầu xin, ca ngợi.

– Nên lập sổ ghi các vấn đề cầu nguyện. Trong đó có thể cầu nguyện cho người thân; cầu nguyện cho người thi hành chức vụ; cầu nguyện cho tổ quốc và đồng bào; cầu nguyện cho anh em trong Chúa, nhất là những tân tín hữu và cầu nguyện cho chính mình (cả thuộc linh và thuộc thể).

– Mỗi ngày nên cầu nguyện nhiều lần, ít nhất cũng mỗi sáng và tối.

– Có thể cầu nguyện ở mọi nơi. Tuy nhiên, tốt nhất nên có chỗ riêng tư, tôn nghiêm.

– Nên cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus; cầu nguyện với đức tin; cầu nguyện với tấm lòng chân thành; cầu nguyện khẩn thiết và nên hiệp nhất với anh em cùng đức tin.

– Ngoài những giờ cầu nguyện riêng hằng tuần nên có những buổi kiêng ăn cầu nguyện.

 

CHƯƠNG 10:

TRUYỀN GIÁO

Truyền giáo là đại mạng lệnh của Chúa Jêsus.

Vì lòng biết ơn Chúa đã cứu mình khỏi quyền lực tối tăm và tội lỗi, chúng ta đáng phải sốt sắng vâng đại mạng lệnh.

– Chúa là Cha, là chủ đã uỷ thác cả cơ nghiệp Ngài cho chúng ta. Chúng ta phải có lòng trung tín, nhiệt thành đáp lại sự uỷ thác của Ngài.

– Chúa đã cho chúng ta biết số phận người chối bỏ Chúa thật bi đát, chúng ta không thương xót đồng bào, đồng loại mình sao?

– Chúng ta đã được Chúa dựng nên mới trong tâm linh mình, sức sống mới sẽ thôi thúc chúng ta trong thiên chức truyền giáo.

– Ngay sau khi kinh nghiệm đời sống mới trong Chúa dù còn là tân tín hữu, hãy như Anh-rê sốt sắng dẫn dắt người thân đến với Chúa.

– Mỗi môn đồ có thể hướng dẫn người khác tuyên xưng đức tin, vì chính yếu là Chúa chứng giám chứ không phải con người.

– Mỗi môn đồ phải sẵn sàng chia sẻ niềm tin để gây dựng, chăm sóc các tân tín hữu. Chính anh em ấy sớm kết quả cho Chúa.

 

CHƯƠNG 11:

HỘI THÁNH VÀ CÁC THÁNH LỄ

– Hội Thánh là đoàn thể những người tiếp nhận Chúa Jêsus và cùng hướng về mục đích chung: Đồng tâm thờ phượng và phục vụ Chúa, Gây dựng nhau, Hiệp tác giảng Tin Lành. Hội Thánh không đồng nghĩa với nhà thờ. Thuở ban đầu các môn đồ thờ phượng Chúa trong các tư gia.

– Hội Thánh có hai Thánh lễ chính là:

  1. Tiệc Thánh

Hội Thánh đồng tâm chung dự bánh và nước nho để: Kỷ niệm thân Chúa bể ra, huyết Chúa đổ ra vì tội chúng ta. Chỉ sự hiệp nhất với Chúa.Chỉ môn đồ cùng hiệp nhất trong Chúa. Khích lệ môn đồ cùng chờ mong ngày cùng Chúa chung dự đại tiệc vinh quang.

       2. Lễ Báp Têm

Là nghi lễ bên ngoài tượng trưng cho sự thay đổi bên trong: Bằng nước: trầm mình trong nước hoặc ít nước (tùy theo từng trường hợp tại Hội thánh địa phương) ý nghĩa chỉ về đồng chết và đồng chôn với Chúa đời sống cũ đầy tội lỗi. Ra khỏi nước tượng trưng cho sự đồng sống lại với Chúa đời sống mới.

 

CHƯƠNG 12:

QUẢN LÝ TIỀN BẠC

Chúa muốn mọi môn đồ phải siêng năng làm việc, có tiền bạc rời rộng, tự cung cấp và giúp đỡ kẻ khó nghèo. Tuy nhiên, không quá tham lam và trở thành nô lệ cho tiền bạc.

– Trong khi làm việc phải luôn tự vấn: Làm việc này có vinh hiển danh Chúa không? Có làm gương tốt không? Có giúp nhiều người được cứu không? Ngoài những lợi ích thuộc thể có nhiều lợi ích thuộc linh cho bản thân không?

– Chúng ta không tùy tiện sử dụng tiền bạc. Chúa không muốn chúng ta sử dụng sự ban cho của Chúa vào những việc tội lỗi. Vì vậy, phải cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn việc sử dụng tiền bạc đáp ứng nhu cầu cần thiết và cao đẹp.

– Chúa cũng dạy chúng ta lòng rộng rãi dâng hiến để: Tỏ lòng yêu mến Chúa, Danh Chúa được tôn vinh, Đồng công với thánh đồ mở mang nước Chúa.

– Dâng hiến tùy tấm lòng, nhưng không kém hơn người Pha-ri-si và người Do Thái (Họ dâng 1/10 theo gương mẫu Cựu Ước).

– Thái độ phải có khi dâng hiến là: khiêm nhường, kín đáo và vui lòng.

 

CHƯƠNG 13:

THẾ GIỚI TƯƠNG LAI

Chúa vén bức màn bí mật của thế giới tương lai: Tội nhân phải chịu khổ hình. Người được cứu tức được Chúa Jêsus bảo lãnh sẽ sống lại với Chúa trong thiên đàng.

Sự phán xét tín hữu được thực hiện nơi tòa án Đấng Christ. Ở đó, mỗi chúng ta nhận phần thưởng tùy công khó, tùy tâm tình hầu việc Chúa và phục vụ tha nhân.

Sự phán xét tội nhân được thực hiện tại tòa lớn và trắng. Đây là sự phán xét chung thẩm: (án phạt không cần phải tái xem xét) sự phán xét cá nhân, (mọi người ai riêng phần nấy) sự phán xét đầy đủ (mọi tư tưởng, lời nói, việc làm đều phơi bày) sự phán xét công bình, (Chúa không thiên vị ai).

Con cái Chúa sẽ được mặc lấy con người mới giống Chúa vinh hiển: Sẽ đời đời trong mối tương giao tuyệt vời trong thiên quốc. Sẽ nhận lãnh cơ nghiệp vinh hiển không ô uế, không hư đi và không suy tàn.

 

GỐC