Hiến chương Hội Thánh

HIẾN CHƯƠNG

 HỘI THÁNH LIÊN HỮU CƠ ĐỐC VIỆT NAM

  

CHƯƠNG I

DANH HIỆU, GIÁO HIỆU, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH, TIN KÍNH

 

ĐIỀU 1: DANH HIỆU

Danh hiệu của Giáo Hội là: HỘI THÁNH LIÊN HỮU CƠ ĐỐC VIỆT NAM

Tên Tiếng Anh: CHRISTIAN FELLOWSHIP CHURCH OF VIETNAM

ĐIỀU 2: GIÁO HIỆU

Giáo hiệu của Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam bao gồm ba biểu tượng:

  • THẬP TỰ GIÁ: Sự cứu rỗi trong Chúa Jêsus Christ là trọng tâm tin kính và cũng là sứ mạng trọng đại Giáo Hội phải rao truyền.
  • KINH THÁNH: Lời Đức Chúa Trời là nền tảng tín lý của Giáo Hội.
  • CHIM BỒ CÂU: Đức Thánh Linh là Đấng lãnh đạo thiên thượng và là nguồn quyền năng siêu việt của Giáo Hội.

ĐIỀU 3: KHUÔN DẤU

Tổng Hội

Hội Thánh địa phương

 

ĐIỀU 4: TÔN CHỈ

Tôn chỉ của Giáo Hội là: Trung tín thờ phượng Đức Chúa Trời Ba Ngôi theo đúng mẫu mực Kinh Thánh và trung thành với Tổ Quốc Việt Nam.

 

ĐIỀU 5: MỤC ĐÍCH

Mục đích của Giáo Hội là liên kết những người cùng một niềm tin để:

  • Đồng tâm phụng vụ Đức Chúa Trời.
  • Gây dựng hỗ tương đời sống tin kính.
  • Hợp tác truyền bá chân lý cứu rỗi và góp phần phục vụ dân tộc, nhất là trong lĩnh vực văn hóa và xã hội.

 

ĐIỀU 6: ĐỊA BÀN HOẠT ĐỘNG

  • Toàn quốc

 

ĐIỀU 7: ĐƯỜNG HƯỚNG

Đường hướng của Giáo hội là: “Trung thành với chân lý Kinh Thánh, đồng hành với dân tộc, tuân theo Hiến pháp và Pháp luật”.

 

ĐIỀU 8: NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG

Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam là một tổ chức độc lập, dân chủ, công khai, minh bạch đúng với tôn chỉ, mục đích.

 

ĐIỀU 9: VĂN PHÒNG TỔNG HỘI

Địa chỉ: 14/6b Trịnh Thị Miếng, Ấp Đông, Thới Tam Thôn, Hóc Môn, Tp.HCM

  

CHƯƠNG II

TỔ CHỨC

 

ĐIỀU 10: HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Hệ thống tổ chức của Giáo Hội gồm có: Tổng Hội, Hội Thánh địa phương. Mỗi phần được tổ chức và tương quan nhau tùy theo hiến chương này.

Ngoài ra còn có Điểm nhóm trực thuộc Tổng Hội và Điểm nhóm trực thuộc Hội thánh địa phương.

 

ĐIỀU 11: ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC

Khoản 1: Mục đích của Đại Hội toàn quốc

Mục đích chính của Đại Hội toàn quốc bao gồm:

  • Thờ phượng và thông công

Đại Hội toàn quốc là biểu tượng Hội Thánh hiệp một trong sự thờ phượng Chúa và sự thông công của các chi thể trong cùng một thân của Đấng Christ.

  • Bàn luận các việc công ích

Đại Hội chọn lựa các đề nghị, thảo luận và quyết định các việc công ích, hoạch định phương hướng hoạt động cho nhiệm khóa mới.

  • Bầu cử các tiểu ban

Đại Hội bầu cử Hội Đồng Cố Vấn Đại Hội, Ban Thư ký, Ban Kiểm toán, Ban Kiểm Phiếu và các tiểu ban xét thấy cần thiết cho Đại Hội.

    • Hội Đồng Cố Vấn Đại Hội bao gồm: 50% thành viên Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội, 50% do Đại Hội bầu cử.
    • Nhiệm kỳ: Trong những ngày Đại Hội.
    • Ban Kiểm Toán: Sau khi đắc cử Ban Kiểm Toán sẽ không ứng cử vào Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội.
    • Nhiệm kỳ: Một Đại Hội (02 năm)

 

  • Bầu cử Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội

Đại Hội trực tiếp bầu cử Tổng Trưởng Nhiệm, Phó Tổng Trưởng Nhiệm và các thành viên khác. Đại Hội ủy quyền cho Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội:

    • Mời các Phó Tổng Uỷ Viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội
    • Mời các Uỷ Viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội
    • Mời các Phụ tá Uỷ Viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội
    • Các chức viên Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội, Uỷ Viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội sẽ hợp thành Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội.

Khoản 2: Quyền hạn của Đại Hội

Đại Hội có quyền quyết định mọi vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Giáo Hội.

Khoản 3: Định kỳ họp Đại Hội

Đại Hội được tổ chức định kỳ hai năm một lần, do Thường vụ và Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội triệu tập. Mỗi kỳ Đại Hội phải định thời gian và địa điểm họp Đại Hội kỳ sau. Trường hợp đặc biệt Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội sẽ quyết định.

Khoản 4: Đại biểu Đại Hội

  • Thành phần:

Thành phần đại biểu gồm có:

    • Các chức viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội
    • Các Mục sư được Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội bổ nhiệm vào các Hội Thánh địa phương, trưởng Điểm nhóm hoặc các cơ quan của Giáo Hội.
    • Các đại biểu do các Hội Đồng Quản Nhiệm Hội Thánh địa phương bầu cử.
  • Số đại biểu:
    • Mỗi Hội Thánh địa phương được cử hai đại biểu, trong đó phải có vị Trưởng nhiệm.
    • Đối với các Hội Thánh địa phương có bảo trợ Điểm nhóm, mỗi Điểm nhóm được cử một đại biểu. Ngoài ra, tùy theo số Điểm nhóm mà Hội Thánh địa phương đang bảo trợ, cứ bảo trợ một Điểm nhóm sẽ được cử thêm một đại biểu.
    • Các Hội Thánh địa phương chưa đủ sức tự cung cấp, được một đại biểu là Trưởng nhiệm Hội Thánh địa phương.
    • Trường hợp đặc biệt: Tối thiểu số đại biểu phải gồm Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội và các Phụ tá Uỷ Viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội.

Khoản 5: Các Đề Nghị Được Bàn Luận Trong Đại Hội

Mỗi đề nghị muốn được đưa ra bàn luận giữa Đại Hội đều phải được Hội Đồng Cố Vấn Đại Hội thông qua.

 

ĐIỀU 12: ĐẠI HỘI BẤT THƯỜNG

Đại Hội bất thường được tổ chức khi có việc quan trọng và khẩn cấp mà Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội không thể giải quyết. Để triệu tập Đại Hội bất thường phải có chữ ký của hai phần ba Mục sư đương chức nằm trong Hội đồng Trưởng nhiệm đương nhiệm.

 

ĐIỀU 13: ĐẠI HỘI BỒI LINH

Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội phải tổ chức Đại Hội Bồi Linh cho Mục sư, người hầu việc Chúa và tín hữu mỗi năm ít nhất một lần.

 

ĐIỀU 14: THƯỜNG VỤ VÀ HỘI ĐỒNG TRƯỞNG NHIỆM TỔNG HỘI

Khoản 1: Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội

Tiêu chuẩn: Theo quy định của Giáo Hội và đáp ứng quy định của Nhà nước: là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam đủ năng lực hành vi dân sự, đủ các điều kiện theo quy định của Pháp luật.

  1. Thành phần:
  • Giáo Hội Trưởng
  • Tổng Trưởng Nhiệm kiêm Phó Giáo Hội Trưởng
  • Phó Tổng Trưởng Nhiệm
  • Tổng Thư Ký
  • Tổng Thủ Quỹ
  • Các Tổng Uỷ Viên
  1. Nhiệm vu:

Thừa ủy nhiệm của Đại Hội mời:

  • Các Phó Tổng Uỷ Viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội.
  • Các Uỷ Viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội.
  • Các Phụ tá Uỷ Viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội.

Nếu giữa nhiệm kỳ các chức viên này không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ, thì Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội bổ nhiệm người khác thay thế.

  • Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng Hội có quyền thực hiện Điều 14, Khoản 6.
  • Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng Hội có quyền quyết định mời Người nước ngoài vào hoạt động Tôn giáo và cử Chức sắc, tín hữu tham dự các lớp học, các hội nghị về Tôn giáo tại nước ngoài.
  • Điều hành thường xuyên và giải quyết kịp thời những việc bất thường của Giáo Hội.
  • Mỗi quý, các thành viên Thường Vụ và Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội thăm viếng chăm sóc các Hội Thánh địa phương.
  • Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng Hội có quyền quyết định thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các cơ quan ban ngành của Tổng Hội và Hội Thánh địa phương theo quy định của Giáo Hội.
  1. Nhiệm vụ của các chức viên trong Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội

Giáo Hội Trưởng: Sau ba nhiệm kỳ liên tục, Tổng Trưởng Nhiệm còn đủ sức khỏe và minh mẫn sẽ đương nhiên trở thành Giáo Hội Trưởng.

  • Nhiệm vụ:
    • Can thiệp đặc biệt lúc Giáo Hội gặp khủng hoảng.
    • Triệu tập và chủ trì:
      • Các buổi họp hòa giải hoặc quyết định kỷ luật.
      • Các buổi họp có tính định sách.
    • Đại diện Giáo hội trước chính quyền và các tổ chức, các đoàn thể.
    • Ký tên các văn kiện đặc biệt quan trọng.
    • Chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Đại Hội
    • Duyệt chi các khoản đặc biệt, nhưng không quá 5% ngân sách.
  • Nhiệm kỳ: Không giới hạn năm, miễn đủ minh mẫn và sức khoẻ. Sau ba kỳ Đại Hội toàn quốc (06 năm) trưng cầu tín nhiệm một lần bởi đại biểu Đại Hội.

Tổng Trưởng Nhiệm kiêm Phó Giáo Hội Trưởng

  • Nhiệm vụ:
    • Triệu tập và chủ tọa các Đại Hội, chủ tọa các cuộc họp Thường Vụ và Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội.
    • Thay cho Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội coi sóc và can thiệp vào các việc công ích của Giáo Hội, ký tên các văn kiện thuộc Tổng hội. Riêng các văn kiện quan trọng phải có sự đồng thuận của Giáo Hội Trưởng.
    • Đại diện cho Giáo hội ký các văn bản liên quan khi được ủy quyền của Giáo Hội Trưởng trước chính quyền, các tổ chức và đoàn thể
    • Duyệt chi các khoản cần thiết nhưng không quá 5% ngân sách.
  • Nhiệm kỳ: Theo nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc, hai Đại Hội toàn quốc (04 năm). Không giới hạn nhiệm kỳ, được tái cử, ứng cử khi còn đủ uy tín.

Phó Tổng Trưởng Nhiệm

  • Nhiệm vụ:
    • Phụ tá Tổng Trưởng Nhiệm
    • Thay thế Tổng Trưởng Nhiệm trong lúc vắng mặt hoặc đau yếu.
    • Trong trường hợp Tổng Trưởng Nhiệm qua đời, hoặc vì lý do đặc biệt không thể thi hành nhiệm vụ, Phó Tổng Trưởng Nhiệm thay thế cho đến kỳ Đại Hội.
  • Nhiệm kỳ: Theo nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc, hai Đại Hội toàn quốc (04 năm). Không giới hạn nhiệm kỳ, được tái cử, ứng cử khi còn đủ uy tín.

Tổng Thư Ký

  • Nhiệm vụ:
    • Quản thủ mọi văn thư và văn kiện của Giáo Hội.
    • Chịu trách nhiệm về kế toán ngân sách của Giáo Hội.
    • Trường hợp Tổng Trưởng Nhiệm và Phó Tổng Trưởng Nhiệm qua đời hoặc vì lý do đặc biệt không thể thi hành nhiệm vụ, thì Tổng Thư Ký tạm quyền Tổng Trưởng Nhiệm và triệu tập Đại Hội bất thường trong vòng ba mươi ngày để tổ chức bầu cử lại Tổng Trưởng Nhiệm và Phó Tổng Trưởng Nhiệm.
  • Nhiệm kỳ: Theo nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc, không quá một Đại Hội toàn quốc (02 năm). Không giới hạn nhiệm kỳ, được tái cử, ứng cử khi còn đủ uy tín.

Tổng Thủ Quỹ

  • Nhiệm vụ:
    • Thu nhận, quản thủ hiện kim, hiện vật của Tổng Hội.
    • Chi xuất các khoản do Thường Vụ hoặc Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội quyết định.
    • Chi xuất các khoản do Tổng Trưởng Nhiệm quyết định (không quá 5% ngân sách).
  • Nhiệm kỳ: Theo nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc, không quá một Đại Hội toàn quốc (02 năm). Không giới hạn nhiệm kỳ, được tái cử, ứng cử khi còn đủ uy tín.

Khoản 2: Các Tổng Uỷ Viên Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội

Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội sẽ phân nhiệm các Tổng Uỷ Viên Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội, bổ nhiệm các Uỷ viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội và các phụ tá Uỷ viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội (những người đại diện Tổng Hội tại các địa bàn) đặc trách các ngành: giáo dục, truyền giáo, thiếu nhi, thanh thiếu niên, phụ nữ, y tế, xã hội, tự túc v.v…

  • Nhiệm vụ:
    • Đại diện cho Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội phổ biến các chỉ thị của lãnh đạo và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện theo phạm vi trách nhiệm.
    • Chuyển đạt nguyện vọng của các Hội Thánh địa phương hoặc các cơ quan đến Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội.
    • Giới thiệu những nhân sự có ơn, có tài cho Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội.
    • Hàng tháng báo cáo sinh hoạt của các Hội Thánh hoặc các cơ quan trong phạm vi trách nhiệm (Bằng văn bản).
    • Đề xuất việc khen thưởng hoặc kỷ luật các thuộc cấp.
    • Trong trường hợp khẩn cấp, có thể qua phương tiện truyền thông nhanh nhất tường trình, tham mưu và nhận chỉ thị của lãnh đạo để can thiệp kịp thời.
  • Nhiệm kỳ: Theo nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc, không quá một Đại Hội toàn quốc (02 năm). Không giới hạn nhiệm kỳ, được tái cử, ứng cử khi còn đủ uy tín.

Khoản 3: Uỷ Viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội

Đại diện Thường vụ và Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội tại địa bàn (bằng khoảng 1/10 địa bàn trách nhiệm của Tổng Uỷ Viên Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội).

  • Nhiệm vụ:
    • Giống như Tổng Uỷ Viên Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội nhưng ở phạm vi nhỏ hơn.
    • Là trợ thủ đắc lực của Tổng Uỷ Viên Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội.
    • Lãnh đạo các phụ tá Uỷ Viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội.

Nhiệm kỳ: Theo nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc, không quá một Đại Hội toàn quốc (02 năm). Không giới hạn nhiệm kỳ, được tái cử, ứng cử khi còn đủ uy tín.

Khoản 4: Phụ tá Uỷ Viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội:

Đại diện Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội tại địa bàn tương đối nhỏ (gồm 05 đến 10 Hội Thánh địa phương).

  • Nhiệm vụ:
    • Tương tự như Uỷ Viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội nhưng trong phạm vi nhỏ hơn (bằng 1/5 đến 1/8 địa bàn của Uỷ Viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội).
    • Là trợ thủ đắc lực của Uỷ Viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội.
    • Lãnh đạo các Hội Thánh địa phương Điểm nhóm thuộc quyền.
  • Nhiệm kỳ: Theo nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc, không quá một Đại Hội toàn quốc (02 năm). Không giới hạn nhiệm kỳ, được tái cử, ứng cử khi còn đủ uy tín.

Khoản 5: Quyền Hạn Của Thường Vụ và Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội

Thường Vụ và Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội có thẩm quyền trông coi mọi việc trong Giáo Hội từ Đại Hội này đến bế mạc Đại Hội sau.

– Nếu Hội Thánh Địa Phương khuyết Trưởng nhiệm, thì Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng hội sẽ bổ nhiệm Mục sư đến quản nhiệm Hội Thánh địa phương.

Khoản 6: Quyền Tấn Phong, Bổ Nhiệm, Thuyên Chuyển, Ngưng Chức, Cách Chức

Thường Vụ và Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội có quyền:

    1. Tấn phong Mục sư thực thụ theo 05 tiêu chí: Tin kính, Đạo đức, Kiến thức Thần học, Hiệu quả và trên 06 năm hầu việc Chúa.

Thường vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội sẽ xét công nhận chức vụ Mục sư, Mục sư Nhiệm chức và người hầu việc Chúa theo đề xuất của các Phó tổng Ủy viên và các Ủy viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội.

– Bổ nhiệm: Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm có quyền bổ nhiệm Trưởng nhiệm Hội Thánh địa phương và công nhận các thành viên Hội đồng Quản nhiệm Hội Thánh địa phương, Quản nhiệm điểm nhóm.

– Thuyên chuyển: Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm có quyền thuyên chuyển Trưởng nhiệm Hội Thánh địa phương.

  1. Ngưng chức các Mục sư, Mục sư Nhiệm chức, người Hầu Việc Chúa, quản nhiệm điểm nhóm phạm nghiêm trọng điều răn, luật lệ Kinh Thánh, vi phạm Hiến chương và các Nghị quyết của Đại Hội toàn quốc. Trong một số trường hợp đặc biệt Thường vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội có quyền cách chức các chấp sự.
  2. Sau thời gian ngưng chức không tỏ ra ăn năn, sẽ cách chức các Mục sư, người Hầu Việc Chúa dạy tà giáo, sống vô luân, bất xứng hoặc đi ngược lại tổ chức Giáo Hội theo quy định của Giáo hội.
  3. Những Mục sư, Mục sư Nhiệm chức, người hầu việc Chúa không tiếp tục thi hành chức vụ trong 06 tháng mà không có lý do chính đáng đương nhiên được xem như từ chức.

Khoản 7: Về Quản Lý Và Sử Dụng Con Dấu

Giáo hội trưởng, Tổng trưởng nhiệm kiêm Phó Giáo Hội trưởng chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng con dấu trước Giáo Hội và các Cơ quan có thẩm quyền.

Khoản 8: Quyền Quản Trị Sản Nghiệp Của Giáo Hội

– Giáo Hội có quyền thụ đắc động sản và bất động sản theo pháp luật. Khi có nhu cầu chuyển nhượng và đoạn mãi tài sản, Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội có quyền thực hiện việc này theo quy định của Pháp luật Việt Nam.

– Tài khoản của Hội Thánh.

– Có quyền thay đổi tài khoản ngân hàng.

– Tất cả các Nhà thờ (nhà nguyện) tại Hội Thánh Địa phương thuộc tài sản của Tổng Hội, được giao cho Hội Đồng quản nhiệm Hội Thánh địa phương quản lý.

Khoản 9: Quyền Thu Hồi Sản Nghiệp Của Giáo Hội

Khi Hội Thánh địa phương, cơ quan hoặc cá nhân nào đi ngược lại tín lý và tổ chức của Giáo Hội thì Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội có quyền thu hồi các sản nghiệp ấy theo quy định của Pháp luật Việt Nam.

 

Khoản 10: Các Cơ Quan Của Giáo Hội

  • Tuỳ theo nhu cầu phát triển của Giáo Hội mà Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội thành lập các cơ quan như: Viện Thần Học, Viện Thánh Kinh Hàm Thụ, Đoàn Truyền Giáo Lưu Hành, Ban Soạn Duyệt Sách Báo Cơ Đốc, Cứu Tế Xã Hội, Tự Túc v.v…
  • Việc thành lập cơ quan của Giáo hội được thông qua Đại hội trước đó hoặc sẽ báo cáo vào kỳ Đại hội gần nhất, quy trình thành lập các cơ quan thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam
  • Mỗi cơ quan có Hội Đồng Quản Nhiệm do Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội bổ nhiệm.
  • Mỗi cơ quan có quyền riêng biệt về nội bộ theo chuyên môn và trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, khi báo cáo về Tổng Hội các cơ quan phải qua Tổng Uỷ Viên chuyên trách và gởi phó bản (bản photocopy) cho uỷ viên đặc trách địa bàn.

 

ĐIỀU 15: HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG

Khoản 1: Hệ Cấp Hội Thánh Địa Phương và Điểm nhóm

– Hội thánh địa phương: Được Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội công nhận là Hội Thánh địa phương khi có đủ điều kiện về tài chính riêng, có Trưởng Nhiệm, Hội Đồng Quản Nhiệm.

– Ngoài ra còn có Điểm nhóm:

* Điểm nhóm trực thuộc Tổng Hội

* Điểm nhóm trực thuộc Hội Thánh địa phương.

Khoản 2: Điều kiện chia tách, sáp nhập Hội thánh địa phương

Hội Thánh địa phương được chia tách, sáp nhập khi có nhu cầu thực tế của Hội Thánh và đúng quy định của pháp luật

Khoản 3: Quyền Lợi Của Hội Thánh Địa Phương

  • Các Hội Thánh địa phương được Tổng Hội hỗ trợ về huấn luyện nhân sự, xây dựng cơ sở, y tế xã hội, phát triển cộng đồng v.v…
  • Được dự phần quyết định công việc chung qua các đại biểu tham dự Đại Hội. (xem Điều 11, khoản 4, phần b).
  • Được sử dụng mọi ngân khoản của Hội Thánh địa phương ngoại trừ số quy định dâng về Tổng Hội.

Khoản 4: Nhiệm Vụ Của Hội Thánh Địa Phương

Nhiệm vụ Hội Thánh địa phương gồm có:

  • Trung thành với tôn chỉ, mục đích, tin kính và tổ chức Giáo Hội theo Hiến chương này.
  • Tuân hành các quyết định của Đại Hội và của Thường Vụ và Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội.
  • Đề cử nhân sự cho Thường Vụ và Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội quyết định người hầu việc Chúa, Trưởng nhiệm Hội Thánh địa phương, Hội đồng Quản nhiệm Hội Thánh địa phương và Quản nhiệm Điểm nhóm.
  • Đóng góp ý kiến xây dựng Giáo Hội.
  • Tích cực góp phần vào nền tài chánh Giáo Hội với mức tối thiểu là 10% trên tổng số thu hàng tháng.
  • Tham dự các lớp học ngoài chương trình của Hội Thánh hoặc học trên mạng phải thông báo đến Thường vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội.
  • Tổ chức, cá nhân khi mời người nước ngoài vào hoạt động Tôn giáo phải thông báo đến Thường vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội và phải được sự đồng thuận của Thường vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội.

(Các Mục sư Phụ tá Uỷ viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội đến Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội dâng ít  nhất là 1/10 trực tiếp vào ngân quỹ Tổng Hội. Riêng các Mục sư và người hầu việc Chúa có nhận phụ cấp của Tổng Hội cũng dâng 1/10 trực tiếp vào ngân quỹ Tổng Hội).

Khoản 5: Hội Đồng Chấp sự Hội Thánh địa phương

  • Phẩm hạnh của Chấp sự

– Các Chấp sự phải có phẩm hạnh hiệp với I Ti-mô-thê 3:8-15. Để Hội Thánh luôn luôn được Chúa ban phước, Chấp sự phải gương mẫu trung tín dâng 1/10 ở Hội Thánh địa phương.

– Là công dân Việt Nam,  thường trú tại Việt Nam,  đủ năng lực hành vi dân sự, đáp ứng các điều kiện của Pháp luật.

  • Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội Đồng Chấp sự
    • Các Chấp sự phải hết lòng cộng tác với Trưởng Nhiệm Hội Thánh địa phương.
    • Hội đồng Chấp sự đề xuất với Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng hội các chức vụ vào Hội đồng Quản nhiệm Hội Thánh địa phương vào đầu niên khoá.
    • Hội đồng Chấp sự phải họp ít nhất mỗi tháng một lần (có biên bản buổi họp), không kể các buổi cầu nguyện và phân công hàng tuần của các Chấp sự và chuẩn Chấp sự.
    • Riêng với Hội Thánh mới thành lập, Hội đồng Chấp sự do Uỷ viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội bổ nhiệm.
    • Mỗi năm Hội đồng Chấp sự phải định sự kiêng ăn trước khi mời thêm Chấp sự mới và bày tỏ sự tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm với Chấp sự cũ. Người được mời hay được tín nhiệm phải đạt 2/3 số phiếu (Đại biểu của Đại hội thường niên Hội thánh địa phương)
    • Trước Đại Hội toàn quốc, Hội đồng Chấp sự phải định một kỳ kiêng ăn và cầu nguyện cho Hội Thánh địa phương để bày tỏ ý kiến tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm đối với Trưởng Nhiệm Hội Thánh địa phương. Đại diện Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội phải chủ tọa buổi họp trọng thể này và chuyển các phiếu bày tỏ ý kiến về Thường Vụ và Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội kiểm phiếu và quyết định.

Khoản 6: Hội Đồng Quản Nhiệm Hội Thánh Địa Phương

  • Điều kiện, tiêu chuẩn:

– Là Mục sư, Mục sư nhiệm chức, người hầu việc Chúa đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn của Giáo hội. Riêng Trưởng nhiệm Hội thánh địa phương phải là Mục sư hoặc Mục sư nhiệm chức.

– Là công dân Việt Nam,  thường trú tại Việt Nam,  đủ năng lực hành vi dân sự, đáp ứng các điều kiện của Pháp luật.

  • Cách thức thành lập

– Thường vụ Hội đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội bổ nhiệm làm Trưởng Nhiệm Hội Thánh địa phương và phụ tá Trưởng nhiệm khi có đề nghị của Hội đồng Quản nhiệm Hội Thánh địa phương (Điểm nhóm) và được Tổng Hội công nhận. – Đại Hội thường niên của Hội Thánh địa phương bầu chọn các Chấp sự, Hội đồng Chấp sự sẽ bầu chọn Thư ký, Thủ quỹ, các Ủy viên của Hội đồng Quản nhiệm Hội Thánh địa phương.

– Đại hội bất thường của Hội Thánh địa phương do Thường vụ Hội đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội triệu tập và chủ trì.

– Hội đồng Quản nhiệm Hội Thánh địa phương không tuân theo Hiến chương của Hội Thánh và đi ngược lại. Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng hội có quyền bãi nhiệm các chức danh Hội đồng Quản nhiệm Hội Thánh địa phương.

  • Nhiệm vụ các chức viên Hội Đồng Quản Nhiệm Hội Thánh địa phương:
  • Trưởng Nhiệm Hội Thánh Địa Phương
    • Phải có trách nhiệm lãnh đạo Hội Thánh địa phương, giảng dạy, cử hành các Thánh lễ, triệu tập và chủ tọa các cuộc họp của Hội đồng Chấp sự và Hội đồng Quản nhiệm Hội Thánh địa phương. Ký tên các văn kiện thuộc Hội Thánh địa phương.
    • Đại diện pháp lý của Hội Thánh địa phương trước các tổ chức và đoàn thể tại địa phương.
    • Chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng con dấu trước Giáo Hội và các Cơ quan có thẩm quyền.
    • Nhiệm kỳ: Tùy quyết định của Đại hội Hội Thánh địa phương.
  • Phụ Tá Trưởng Nhiệm Hội Thánh Địa Phương
    • Phụ tá cho Trưởng Nhiệm Hội Thánh địa phương.
    • Thay thế Trưởng Nhiệm Hội Thánh địa phương trong lúc vắng mặt hoặc đau yếu và lý do khác.
    • Trong trường hợp khuyết Trưởng nhiệm Hội Thánh địa phương hoặc vì lý do đặc biệt không thể thi hành nhiệm vụ thì Phụ tá Quản nhiệm Hội Thánh địa phương thay thế cho đến kỳ Đại Hội.
    • Nhiệm kỳ: Tùy quyết định của Đại hội Hội Thánh địa phương.
  • Thư ký Hội Thánh địa phương
    • Thư ký phải có trách nhiệm về văn thư, văn kiện và kế toán ngân sách của Hội Thánh địa phương.
    • Nhiệm kỳ: Tùy quyết định của Đại hội Hội Thánh địa phương.
  • Thủ Quỹ Hội Thánh Địa Phương
    • Thu nhận và quản thủ hiện kim, hiện vật của Hội Thánh địa phương với biên nhận chứng từ, sổ sách rõ ràng.
    • Chi xuất các khoản phải theo nguyên tắc chung của Giáo Hội và theo quyết định của Hội đồng Quản nhiệm Hội Thánh địa phương.
    • Nhiệm kỳ: Tùy quyết định của Đại hội Hội Thánh địa phương.
  • Các Uỷ viên Hội Thánh địa phương:
    • Tùy theo nhu cầu phát triển Hội Thánh địa phương mà bầu cử ít hay nhiều Ủy viên Hội Thánh địa phương phụ trách các ngành: cầu nguyện, giáo dục, truyền giáo, xã hội, tự túc, phụ nữ, thanh thiếu niên, nhi đồng, v.v…
    • Các Ủy viên phải lập kế hoạch đệ trình Hội Đồng Quản Nhiệm Hội Thánh địa phương để được chấp thuận và thi hành, cũng phải phúc trình hàng tháng sinh hoạt do mình phụ trách.
    • Nhiệm kỳ: Tùy quyết định của Đại hội Hội Thánh địa phương.

Khoản 7: Tín hữu

Mọi người không phân biệt giai cấp, chủng tộc, đã được dâng cho Chúa từ thuở thiếu nhi hoặc đã lìa bỏ hình tượng, mê tín dị đoan, tin nhận Chúa Jêsus, đều là tín hữu của Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam.

  • Nhiệm vụ của tín hữu:
    • Phải công nhận tín lý chân chính, đặt nền tảng trên Kinh Thánh.
    • Phải trung tín nhóm thờ phượng Chúa.
    • Phải sốt sắng truyền giáo.
    • Phải có phẩm hạnh hiệp với Kinh Thánh.
    • Phải tuân phục sự tổ chức của Giáo Hội.
    • Phải trung tín dâng 1/10 và các của dâng lạc hiến.
    • Phải sốt sắng làm các việc lành.
    • Các tín hữu đủ 18 tuổi được ứng cử và bầu cử Hội đồng Chấp sự.
    • Sau một năm không sinh hoạt trong Hội Thánh địa phương đương nhiên mất quyền ứng cử và bầu cử.
  • Việc chuyển Hội Thánh địa phương của tín hữu
    • Khi một tín hữu chuyển đến địa phương khác. Trưởng nhiệm Hội Thánh địa phương phải cấp thư giới thiệu để tín hữu sớm được cơ hội Thờ phượng và hầu việc Chúa tại nơi ở mới.
    • Với những tín hữu đã làm Báp têm ở hệ phái khác, đặt nền tảng trên Kinh Thánh. Chuyển sang sinh hoạt với Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam không làm Báp têm lại.

 

CHƯƠNG III

QUAN HỆ XÃ HỘI

 

ĐIỀU 16: SỰ QUAN HỆ CỦA GIÁO HỘI VỚI CHÍNH QUYỀN

Hội Thánh vâng lời Chúa dạy, lấy lòng yêu thương, thường xuyên cầu nguyện cho các bậc cầm quyền và “lấy điều nhân đức và thành thật mà ở đời cho bình tịnh yên ổn” (I Ti-mô-thê 2:1-2; Rô-ma 13: 1-7). Chấp hành pháp luật và làm tròn nghĩa vụ công dân.

 

ĐIỀU 17:  SỰ TƯƠNG QUAN CỦA GIÁO HỘI VỚI CÁC HỘI TRUYỀN GIÁO VÀ CÁC TỔ CHỨC THUỘC CỘNG ĐỒNG CƠ ĐỐC QUỐC TẾ

  1. Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam có quyền thông công trên căn bản bình đẳng với các Hội Truyền Giáo bạn đồng tín lý. Hợp tác với các tổ chức văn hóa, xã hội mang tính Cơ Đốc chân chính.
  2. Đại Hội ủy quyền cho Thường Vụ Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội quyết định gia nhập hay hợp tác với các tổ chức bạn và phải khai trình trước Đại Hội.
  3. Điều a và b trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật.

 

CHƯƠNG IV

CÁC THÁNH LỄ

 

ĐIỀU 18: CÁC THÁNH LỄ, CÁC NGÀY LỄ VÀ HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG

Khoản 1: Các Thánh Lễ Chính

  1. Lễ Báp Têm

– Lễ Báp têm do các Mục sư hoặc những người hầu việc Chúa được Giáo Hội chứng nhận, cử hành cho những người thực sự dứt khoát với hình tượng, tin nhận Chúa Jêsus (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

– Người được Báp têm phải dầm trọn mình trong nước hoặc ít nước. (Tùy theo từng trường hợp tại Hội thánh địa phương)

– Người hấp hối hoặc trọng bệnh có thể Báp têm bằng hình thức xối nước qua trán.

  1. Lễ Tiệc Thánh

– Lễ Tiệc Thánh do các Mục sư, Mục sư nhiệm chức  và người hầu việc Chúa cử hành. Các tín hữu đã Báp têm chung dự bánh và nước nho tối thiểu mỗi tháng một lần.

Khoản 2: Các Thánh Lễ Khác

  1. Lễ Tấn Phong

– Thường vụ và Hội đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội cử hành Lễ Tấn Phong Mục sư.

 

  1. Lễ Trao Tay Hữu

– Lễ Trao Tay Hữu do các đại diện của Thường vụ và Hội đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội cử hành để công nhận chức vụ Mục sư Nhiệm chức và chức vụ người hầu việc Chúa.

  1. Lễ Dâng Con Trẻ

– Con trẻ được cha mẹ đưa đến trước Hội Thánh và được cả Hội Thánh cầu nguyện. Mục sư, người hầu việc Chúa đặt tay cầu nguyện theo như gương mẫu của Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 19: 13-15).

  1. Lễ Hôn Phối

– Lễ hôn phối do các Mục sư cử hành cho các tín hữu đã Báp têm và tin kính tốt. (Trường hợp đặc biệt Ủy viên Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội có thể ủy nhiệm cho người hầu việc Chúa cử hành) (Ma-thi-ơ 19: 3-6).

  1. Lễ Xức Dầu Cầu Nguyện Cho Người Bệnh

– Khi tín hữu lâm bệnh, nên mời các Mục sư, người hầu việc Chúa, Chấp sự và các tín hữu được ơn đến thăm và xức dầu cầu nguyện xin Chúa chữa lành (Mác 16: 17-18; Gia-cơ 5: 14-16).

  1. Lễ An Táng

– Khi một tín hữu qua đời, Mục sư hay người hầu việc Chúa hiệp với Hội đồng Chấp sự tổ chức lễ an táng cách long trọng để quy vinh hiển Danh Chúa, an ủi tang gia và giúp mọi người hiểu biết các phước hạnh của người chết trong Chúa (Khải-huyền 14:13).

Khoản 3  Các Ngày Lễ

  • Lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh: Tổ chức trong “Mùa Giáng Sinh”
  • Lễ kỷ niệm Chúa Phục Sinh: Lễ Phục Sinh tổ chức vào Chúa Nhật trăng tròn sau xuân phân.
  • Lễ kỷ niệm Chúa Thăng Thiên: Sau lễ kỷ niệm Chúa Phục Sinh 40 ngày.
  • Lễ kỷ niệm Đức Thánh Linh Giáng Lâm (Lễ Ngũ Tuần): Sau lễ kỷ niệm Chúa Thăng Thiên 10 ngày.
  • Lễ Mừng Xuân Mới: Theo tết dân tộc, Cầu nguyện cho dân tộc.
  • Lễ tạ ơn: Cảm tạ Chúa nhân ngày thành lập Giáo Hội (Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam). Cảm tạ Chúa nhân ngày thành lập Hội Thánh địa phương. Các lễ cảm tạ của các gia đình…
  • Các lễ kỷ niệm: Kỷ niệm Ông Bà, Cha Mẹ đã quá cố.
  • Lễ hiếu kính cha mẹ: (Gồm chung lễ Phụ thân và Mẫu thân), tổ chức vào Chúa nhật thứ nhì của tháng năm hàng năm.

Khoản 4: Các Ngày Truyền Thống

  • Ngày Phụ nữ Liên hữu, ngày thành lập ban Phụ nữ của Hội Thánh địa phương.
  • Ngày Thiếu nhi Liên hữu và Thánh Kinh hè.
  • Ngày Thanh Thiếu niên và họp bạn Bồi linh.

 

CHƯƠNG V

QUY CHẾ VỀ HÀNG GIÁO PHẨM

 

ĐIỀU 19: QUY CHẾ VỀ HÀNG GIÁO PHẨM

Khoản 1: Hàng Giáo phẩm của Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam gồm:

  • Người hầu việc Chúa
  • Mục sư Nhiệm chức
  • Mục sư

Khoản 2: Giáo phẩm của Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam là những người:

  • Tin kính: người có đức tin vào Đức Chúa Trời Ba ngôi, tin Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời.
  • Đạo đức: có nếp sống đạo gương mẫu.
  • Kiến thức Thần học: Tốt nghiệp Thần học tinh tuyển và có các chứng chỉ: Sơ lược lịch sử Kinh Thánh, Chức vụ quản trị, Kinh nghiệm người hầu việc Chúa, Tuyên đạo pháp…
  • Hiệu quả: kết quả trong chức vụ gây dựng Hội Thánh, chăm sóc anh em, mở Hội Thánh mới…
  • Niên hạn: Trên 06 năm hầu việc Chúa.
  • Hội đủ các điều kiện Pháp luật Việt Nam quy định.

Khoản 3: Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng hội có thẩm quyền tấn phong Mục sư, công nhận Mục sư Nhiệm chức, Người hầu việc Chúa

 

ĐIỀU 20:  ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN, CÁCH THỨC CÔNG NHẬN, TẤN PHONG

Khoản 1: Người Hầu Việc Chúa

– Điều kiện: Tốt nghiệp lớp Bồi dưỡng thần học qua các môn học:

+ Thần học tinh tuyển.

+ Kinh nghiệm người hầu việc Chúa.

+ Chức vụ quản trị.

+ Sơ lược lịch sử Kinh Thánh.

+ Tuyên đạo pháp (Soạn bài giảng – giảng luận).

Tiêu chuẩn: phải là tín hữu tin Chúa ít nhất 02 năm, đã làm Báp-tem, có nền tảng hiểu biết Kinh Thánh, đã theo các lớp giáo lý 1, 2, Thần học tinh tuyển, Phương pháp học Kinh Thánh…

Được ít nhất 01 thành viên Thường vụ, Phó tổng ủy viên và các Ủy viên Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng hội trong phạm vi trách nhiệm đề xuất (bằng văn bản và các kỳ họp của Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng hội).

Điều kiện, tiêu chuẩn: đáp ứng điều 32 Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

– Thẩm quyền: Theo Điều 14 khoản 6 Hiến chương Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam.

– Nghi lễ: Sẽ cầu nguyện trao tay hữu tại điểm sinh hoạt Hội Thánh địa phương. Các Mục sư lãnh đạo (đại diện các Mục sư Thường vụ, Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng hội) cùng cầu nguyện cho Người hầu việc Chúa.

– Quyền hạn, trách nhiệm của người hầu việc Chúa: Cùng Hội đồng quản nhiệm trong điểm nhóm (Hội thánh địa phương) chăm sóc, gây dựng, mở mang tại địa phương và trong phần trách nhiệm (hướng dẫn chương trình – học Kinh Thánh, truyền giáo).

Khoản 2: Mục Sư Nhiệm Chức         

– Tiêu chuẩn công nhận Mục sư nhiệm chức:

Tốt nghiệp lớp Bồi dưỡng Thần học và phải đảm bảo các môn học như sau:

+ Tốt nghiệp Thần học Tinh tuyển (8 tín chỉ).

+ Kinh nghiệm Người hầu việc Chúa.

+ Chức vụ quản trị.

+ Sơ lược lịch sử Kinh Thánh.

+ Tuyên đạo pháp (Soạn bài giảng – giảng luận).

+ Hội Thánh tăng trưởng.

Được ít nhất 01 thành viên Thường vụ, Phó tổng ủy viên và các Ủy viên Hội đồng trưởng nhiệm Tổng hội trong phạm vi trách nhiệm đề xuất (bằng văn bản và các kỳ họp của Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng Hội).

– Nội dung thẩm vấn: Là những người hầu việc Chúa cần được thẩm vấn để được công nhận Mục sư nhiệm chức phải qua thẩm vấn.

– Mỗi thành viên trong Hội đồng thẩm vấn sẽ hỏi người cần thẩm vấn những câu hỏi dựa trên 70 câu của Quy điều tấn phong Mục sư bao gồm các môn sau:

+ Thần học tinh tuyển (8 tín chỉ).

+ Kinh nghiệm Người hầu việc Chúa.

+ Chức vụ quản trị.

+ Soạn bài giảng và giảng luận.

+ Hội Thánh tăng trưởng.

Đối với người Kinh phải đủ 70 điểm.

Đối với người Dân tộc thiểu số phải đủ 60 điểm.

– Thẩm quyền: Theo Điều 14 khoản 6 Hiến chương Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam.

– Nghi lễ: Lễ trao tay hữu do các đại diện của Thường vụ và Hội đồng trưởng nhiệm Tổng hội cử hành để công nhận chức vụ Mục sư nhiệm chức.

Người được công nhận Mục sư nhiệm chức khi nhận quyết định sẽ đứng, các Mục sư lãnh đạo cầu nguyện cho. Sau đó, đại diện Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng hội nắm tay hữu của người được công nhận cầu nguyện.

– Quyền hạn, trách nhiệm của Mục sư nhiệm chức

+ Quản nhiệm các điểm nhóm, Hội thánh địa phương.

+ Giảng dạy Kinh Thánh, điều hành các cuộc họp của điểm nhóm, Hội Thánh địa phương.

+ Cử hành các nghi lễ của Hội Thánh: Báp-têm, Tiệc Thánh, Cảm tạ… (Theo Hiến chương của Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam).

+ Cùng các thành viên Hội đồng quản nhiệm điểm nhóm, Hội Thánh địa phương chăm sóc, gây dựng tín hữu trong điểm nhóm và truyền giáo.

Khoản 3: Mục Sư Thực Thụ

– Thẩm quyền để tấn phong: Thường vụ và Hội đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội có thẩm quyền để tấn phong theo đề xuất của các phó Tổng ủy viên và Ủy viên Hội đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội.

– Tiêu chuẩn tấn phong Mục sư

+ Tin kính: người có đức tin vào Đức Chúa Trời Ba ngôi, tin Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời và Công nhận Hiến chương.

+ Đạo đức: có nếp sống cơ đốc gương mẫu, trỗi hơn tín hữu (Điều 15, Khoản 6).

+ Kiến thức Thần học: Tốt nghiệp Thần Học Tinh Tuyển, có các chứng chỉ: Sơ lược lịch sử Kinh Thánh, Chức vụ quản trị, Kinh nghiệm Người hầu việc Chúa, Tuyên đạo pháp (soạn bài giảng và thực hành), Vững tin trong thánh chức, Hội Thánh tăng trưởng…

+ Hiệu quả: kết quả trong chức vụ gây dựng Hội Thánh, chăm sóc anh em, mở Hội Thánh mới…

+ Niên hạn: Người được tấn phong Mục sư thực thụ phải trên 06 năm hầu việc Chúa. Từ Mục sư nhiệm chức được thẩm vấn đủ tiêu chuẩn mới được tấn phong Mục sư thực thụ.

– Cách thức: Thành lập Hội đồng Thẩm vấn gồm có Trưởng ban và các Thành viên tùy theo nhu cầu thực tế.

Nội dung thẩm vấn: Mỗi thành viên sẽ hỏi người cần thẩm vấn những câu hỏi dựa trên 100 câu của Quy điều tấn phong Mục sư gồm các môn:

+ Thần học tinh tuyển (8 quyển 8 đề tài)

+ Sơ lược lịch sử Kinh Thánh

+  Kinh nghiệm người truyền đạo

+ Chức vụ quản trị

+ Vững tin trong thánh chức

+ Phương pháp soạn bài giảng

+ Hội Thánh tăng trưởng

+ Giảng luận (thực hành)

Đối với Mục sư nhiệm chức đạt chuẩn để tấn phong Mục sư thực thụ:

+  Đối với người Kinh phải đủ 70 điểm.

+  Đối với người Dân tộc thiểu số phải đủ 60 điểm.

Người được tấn phong Mục sư:

– Lễ tấn phong: Lễ tấn phong Mục sư do Thường vụ và Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng hội cử hành Lễ tấn phong Mục sư. (Điều 14, khoản 6, phần a)

– Nghi lễ: Đối với người được tấn phong Mục sư thực thụ khi nhận quyết định tấn phong thì quỳ gối, Hội đồng tấn phong, Mục sư Thường vụ và các Mục sư lãnh đạo đặt tay cầu nguyện cho người được tấn phong.

Tổ chức lễ tấn phong: lễ tấn phong được tổ chức tùy theo sự sắp xếp của Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng hội và Hội đồng tấn phong (tại Hội Thánh địa phương hoặc tập trung nơi thuận tiện nhất).

– Quyền hạn, trách nhiệm của Mục sư thực thụ: Được làm tất cả các nghi lễ của Hội Thánh.

Khoản 4: Các trường hợp khác

Mục sư của Giáo phái khác đồng tín lý xin hầu việc Chúa trong Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam, những trường hợp đã xin ra khỏi Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam và các trường hợp khác. Muốn xin gia nhập với Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam, thể thức và điều kiện do Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng hội xem xét quyết định.

 

CHƯƠNG VI

TÍN LÝ

 

Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam đặt nền tảng tín lý trên Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước (gồm 66 quyển), và có cùng hệ thống tín lý của Hệ phái Giám lý. Được cô đọng trong quyển Giáo Lý Căn Bản (Điều Tâm Linh Bạn Cần Biết)

ĐIỀU 21: ĐỨC CHÚA TRỜI

– Chúng ta tin Đức Chúa Trời thực hữu, con người hữu hạn không thể hiểu đầy đủ về Đấng vô hạn. Nhưng qua hiểu biết về thế giới vĩ mô, cũng như vi mô, chúng ta thấy có sự vận chuyển trật tự, hài hòa và phối trí để đạt mục đích tốt đẹp, chúng ta tin có sự hiện diện của Đấng khôn ngoan tối cao đằng sau các sự tiến triển đó.

– Lòng tin nơi Đấng Tối Cao là nguyên thức là thuộc tính bẩm sinh vốn sẵn có trong con người. Đây là“bản năng tín ngưỡng”.

– Thuần lý trí chúng ta không thể hiểu đầy đủ về sự mầu nhiệm Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Phải đợi đến khi đạt được sự khôn ngoan trọn vẹn của Thiên Đàng (Một trẻ lên ba chưa biết phép nhân không thể hiểu tại sao 1x1x1=1).

– Thượng Đế là Đấng Thần Linh (không là hữu thể vật chất và không bị vật chất hạn chế). Đấng Hằng Hữu, Đấng Bất Biến, Đấng Toàn Năng, Đấng Toàn Tri, Đấng Toàn Tại, Đấng Vô Hạn, Đấng Bất Khả Tư Nghị, Đấng Thánh Khiết, Đấng Công Nghĩa, Đấng Nhân Ái, Đấng Chân Thành.

 

ĐIỀU 22: KINH THÁNH

Đức Chúa Trời tự mặc khải về Ngài qua vũ trụ và các tạo vật, qua Chúa Cứu Thế Jêsus (sự mặc khải sống động nhất) và qua Thánh Kinh (sự mặc khải rõ ràng, phong phú).

Kinh Thánh gồm Cựu Ước 39 quyển và Tân Ước 27 quyển do hơn 40 trước giả, ghi chép trong gần 2.000 năm nhưng hiệp nhất một cách kỳ diệu và hướng về một trọng tâm.

Mọi người sẽ được lợi ích lớn bởi Kinh Thánh, vì Kinh Thánh: Giúp đỡ khi cần con đường cứu rỗi. Can đảm khi sợ hãi. Bình an khi lo lắng. Vơi nhẹ khi đau đớn. Soi dẫn khi quyết định. Yên nghỉ khi mệt mỏi. An ủi khi buồn thảm. Vững vàng khi bị cám dỗ. Cảm tạ khi biết ơn. Vui mừng khi được tha thứ.

Để hưởng được những phước hạnh đó chúng ta cần phải: nghe, đọc, học, suy gẫm và làm theo Lời Kinh Thánh.

 

ĐIỀU 23: CON NGƯỜI

Chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời dựng nên loài người theo hình ảnh Ngài.

Con người là tạo vật ưu mỹ của Đức Chúa Trời, có vị cách, có lòng đạo đức và có linh hồn bất diệt.

Đức Chúa Trời ban cho con người sự tự do thờ phượng tương giao với Ngài hoặc chối bỏ và bất phục tùng Đấng tạo dựng nên mình. Dầu vậy, khi nhân loại sa ngã, Chúa đã dự bị phương pháp cứu rỗi.

 

ĐIỀU 24: TỘI LỖI

Theo Thánh Kinh: “tội lỗi là không đạt tiêu chuẩn Đức Chúa Trời đã quy định”. Con người phạm tội vì chối bỏ Cha Thiên Thượng, làm trái luật pháp của Ngài, không làm điều lành như đáng phải làm và những tư tưởng lời nói hành động trái với lương tâm.

– Hậu quả của tội lỗi vừa có tính tâm linh vừa vật chất, vừa trong cõi đời này vừa trong cõi đời đời như: Đưa tội nhân đến đau khổ, biến tội nhân thành tội nô, làm cho tội nhân phân cách với Đức Chúa Trời, ném tội nhân vào nơi khóc lóc nghiến răng.

– Mọi người bất lực trong tội, làm được đôi điều gọi là thiện, nhưng trong ánh sáng mắt Chúa chỉ là áo nhớp.

 

ĐIỀU 25: CHÚA CỨU THẾ

Trước tình cảnh con người tuyệt vọng trong tội lỗi. Đức Chúa Trời không trừng trị tất cả, cũng không tha thứ tất cả bất chấp công lý thiên thượng. Ngài mở một con đường cứu rỗi được thực hiện bởi Chúa Cứu Thế Jêsus.

Đấng Cứu Thế được thai dựng bởi quyền năng Đức Thánh Linh và sanh bởi trinh nữ Ma-ri. Chúa Jêsus vừa là Thượng Đế thật vừa là con người thật. Vì Ngài có cả Thần tánh và nhân tánh, Ngài là Đấng Trung Bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người.

Trước khi Chúa Jêsus Giáng Sinh đã có rất nhiều chi tiết tiên tri về Ngài. Chính Ngài cũng nhiều lần báo trước về sự chết gánh tội thay cho con người. Vì vậy sự chết không đến cách bất ngờ với Ngài. Cả sự Phục Sinh của Chúa Jêsus cũng được các tiên tri từ xưa đã dự báo.

Chúa Jêsus là Đấng duy nhất chiến thắng sự chết. Ngài đã nhiều lần hiện ra với các môn đồ, có lần đến hơn 500 người xem thấy.

Chúa Jêsus đã thăng thiên trước sự chứng kiến của các môn đệ. Trong nước Trời, Ngài cầu thay cho chúng ta và sắm sẵn cơ nghiệp vinh hiển cho kẻ trung tín.

Chúa Jêsus sẽ trở lại tiếp đón con cái của Ngài: Ngài dự báo hàng trăm điều về sự tái lâm. Riêng ngày và giờ chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng biết trước mà thôi.

 

ĐIỀU 26: SỰ CỨU RỖI

Sự cứu rỗi là việc được thực hiện bởi Chúa Jêsus để giải thoát con người ra khỏi địa vị tội nô và đem con người trở về cùng Đức Chúa Trời.

Phần con người muốn được cứu rỗi phải chân thành ăn năn và hết lòng tin cậy Chúa Cứu Thế.

Ăn năn là sự thay đổi ý thức và thái độ về Đức Chúa Trời và về tội lỗi gồm có: biết mình đã phạm tội, buồn rầu về tội, quyết chí từ bỏ tội và trở về cùng Đức Chúa Trời.

Đức tin để hưởng được ơn cứu rỗi  là động tác của cả tâm linh con người quyết định tiếp nhận Chúa Cứu Thế và phó thác đời mình cho Ngài.

Đã được cứu, con cái Chúa không để cảm giác đánh lừa và cũng không để ma quỷ gieo nghi ngờ, cũng không ỷ lại, khinh lờn đến nỗi trật phần ân điển.

 

ĐIỀU 27: ĐỨC THÁNH LINH

– Đức Thánh Linh là ngôi thứ ba trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi, còn được xưng là Thần của Đức Giê-hô-va, Thần Lẽ Thật, Đấng Yên Ủi.

– Đối với Hội Thánh: Đức Thánh Linh khai sanh Hội Thánh trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Đức Thánh Linh lãnh đạo Hội Thánh và Đức Thánh Linh kiện toàn Hội Thánh.

– Đối với môn đồ: Đức Thánh Linh tái sanh môn đồ; thánh hóa môn đồ; ban quyền năng đắc thắng cho môn đồ; ban khôn sáng cho môn đồ; gợi nhớ Lời Chúa cho môn đồ; giúp môn đồ đạt được những mỹ đức của Chúa; giúp môn đồ cầu nguyện đẹp ý Chúa; cảm động môn đồ ca ngợi và cảm tạ Đức Chúa Trời; ban linh ân cho môn đồ rao truyền chân lý cho mọi người.

– Đối với tội nhân: Đức Thánh Linh làm chứng về Chúa Jêsus qua Kinh Thánh và qua môn đồ. Ngài thuyết phục tội nhân về tội lỗi, sự công bình và sự phán xét.

– Chúa muốn chúng ta ăn năn tội, tiếp nhận Chúa Jêsus để nhận lãnh Đức Thánh Linh; chúng ta cũng phải vâng phục Đức Thánh Linh và nương cậy Đức Thánh Linh.

 

ĐIỀU 28: SỰ THỜ PHƯỢNG

– Đối tượng thờ phượng của chúng ta là Đức Chúa Trời Ba Ngôi.

– Kinh Thánh nhiều lần khẳng định, chúng ta tuyệt đối không được sử dụng hình tượng trong sự thờ phượng. Chỉ thờ phượng Chúa theo lẽ thật Kinh Thánh và với cả tâm linh.

– Khi thờ phượng Chúa chúng ta không khiếp sợ như nô lệ, nên nhớ Chúa là Cha Thiên Thượng, cũng không suồng sã, khinh xuất vì Đức Chúa Trời là Thượng Đế Tối Cao.

– Trong giờ thờ phượng phải tích cực ca ngợi, cầu nguyện và sốt sắng tiếp nhận Lời Chúa dạy, cũng phải vui tươi, sinh động nhưng trật tự và tham dự trọn giờ thờ phượng.

– Chúng ta phải hiếu kính cha mẹ, ghi nhớ công ơn các bậc tiên hiền, nên tổ chức lễ kỷ niệm, để mọi người hiểu biết tiểu sử, gương lành. Nhân đó đại gia đình nhắc nhau sống sáng danh Chúa và rạng danh tổ tiên. Tuy nhiên, chúng ta không mời người quá cố về ăn cỗ hay hưởng hơi. Nói chung, phải trung thành với chân lý Kinh Thánh và bảo tồn những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

– Các loại bùa chú, ma thuật, bói toán, đồng cốt… đều bị quyền lực tối tăm lợi dụng, chúng ta phải tránh xa. Chúa không chấp nhận chúng ta hai lòng, vừa tôn thờ Chúa Tối Cao, vừa hối lộ hoặc thông đồng với ma quỉ.

 

ĐIỀU 29: SỰ CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện là tương giao với Đức Chúa Trời thân kính như con với Cha, mật thiết như cành nho với cây nho.

– Năm yếu tố khi cần có trong khi cầu nguyện: xưng tội, cảm tạ, cầu thay, cầu xin, ca ngợi.

– Nên lập sổ ghi các vấn đề cầu nguyện. Trong đó có thể cầu nguyện cho người thân; cầu nguyện cho người thi hành chức vụ; cầu nguyện cho tổ quốc và đồng bào; cầu nguyện cho anh em trong Chúa, nhất là những tân tín hữu và cầu nguyện cho chính mình (cả thuộc linh và thuộc thể).

– Mỗi ngày nên cầu nguyện nhiều lần, ít nhất cũng mỗi sáng và tối.

– Có thể cầu nguyện ở mọi nơi. Tuy nhiên, tốt nhất nên có chỗ riêng tư, tôn nghiêm.

– Nên cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus; cầu nguyện với đức tin; cầu nguyện với tấm lòng chân thành; cầu nguyện khẩn thiết và nên hiệp nhất với anh em cùng đức tin.

– Ngoài những giờ cầu nguyện riêng hằng tuần nên có những buổi kiêng ăn cầu nguyện.

 

ĐIỀU 30: TRUYỀN GIÁO

Truyền giáo là đại mạng lệnh của Chúa Jêsus.

Vì lòng biết ơn Chúa đã cứu mình khỏi quyền lực tối tăm và tội lỗi, chúng ta đáng phải sốt sắng vâng đại mạng lệnh.

– Chúa là Cha, là chủ đã uỷ thác cả cơ nghiệp Ngài cho chúng ta. Chúng ta phải có lòng trung tín, nhiệt thành đáp lại sự uỷ thác của Ngài.

– Chúa đã cho chúng ta biết số phận người chối bỏ Chúa thật bi đát, chúng ta không thương xót đồng bào, đồng loại mình sao?

– Chúng ta đã được Chúa dựng nên mới trong tâm linh mình, sức sống mới sẽ thôi thúc chúng ta trong thiên chức truyền giáo.

– Ngay sau khi kinh nghiệm đời sống mới trong Chúa dù còn là tân tín hữu, hãy như Anh-rê sốt sắng dẫn dắt người thân đến với Chúa.

– Mỗi môn đồ có thể hướng dẫn người khác tuyên xưng đức tin, vì chính yếu là Chúa chứng giám chứ không phải con người.

– Mỗi môn đồ phải sẵn sàng chia sẻ niềm tin để gây dựng, chăm sóc các tân tín hữu. Chính anh em ấy sớm kết quả cho Chúa.

 

ĐIỀU 31: HỘI THÁNH VÀ CÁC THÁNH LỄ

– Hội Thánh là đoàn thể những người tiếp nhận Chúa Jêsus và cùng hướng về mục đích chung: Đồng tâm thờ phượng và phục vụ Chúa, Gây dựng nhau, Hiệp tác giảng Tin Lành. Hội Thánh không đồng nghĩa với nhà thờ. Thuở ban đầu các môn đồ thờ phượng Chúa trong các tư gia.

– Hội Thánh có hai Thánh lễ chính là:

Khoản 1: Tiệc Thánh

Hội Thánh đồng tâm chung dự bánh và nước nho để: Kỷ niệm thân Chúa bể ra, huyết Chúa đổ ra vì tội chúng ta. Chỉ sự hiệp nhất với Chúa.Chỉ môn đồ cùng hiệp nhất trong Chúa. Khích lệ môn đồ cùng chờ mong ngày cùng Chúa chung dự đại tiệc vinh quang.

Khoản 2: Lễ Báp Têm

Là nghi lễ bên ngoài tượng trưng cho sự thay đổi bên trong: Bằng nước: trầm mình trong nước hoặc ít nước (tùy theo từng trường hợp tại Hội thánh địa phương) ý nghĩa chỉ về đồng chết và đồng chôn với Chúa đời sống cũ đầy tội lỗi. Ra khỏi nước tượng trưng cho sự đồng sống lại với Chúa đời sống mới.

 

ĐIỀU 32: QUẢN LÝ TIỀN BẠC

Chúa muốn mọi môn đồ phải siêng năng làm việc, có tiền bạc rời rộng, tự cung cấp và giúp đỡ kẻ khó nghèo. Tuy nhiên, không quá tham lam và trở thành nô lệ cho tiền bạc.

– Trong khi làm việc phải luôn tự vấn: Làm việc này có vinh hiển danh Chúa không? Có làm gương tốt không? Có giúp nhiều người được cứu không? Ngoài những lợi ích thuộc thể có nhiều lợi ích thuộc linh cho bản thân không?

– Chúng ta không tùy tiện sử dụng tiền bạc. Chúa không muốn chúng ta sử dụng sự ban cho của Chúa vào những việc tội lỗi. Vì vậy, phải cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn việc sử dụng tiền bạc đáp ứng nhu cầu cần thiết và cao đẹp.

– Chúa cũng dạy chúng ta lòng rộng rãi dâng hiến để: Tỏ lòng yêu mến Chúa, Danh Chúa được tôn vinh, Đồng công với thánh đồ mở mang nước Chúa.

– Dâng hiến tùy tấm lòng, nhưng không kém hơn người Pha-ri-si và người Do Thái (Họ dâng 1/10 theo gương mẫu Cựu Ước).

– Thái độ phải có khi dâng hiến là: khiêm nhường, kín đáo và vui lòng.

 

ĐIỀU 33: THẾ GIỚI TƯƠNG LAI

Chúa vén bức màn bí mật của thế giới tương lai: Tội nhân phải chịu khổ hình. Người được cứu tức được Chúa Jêsus bảo lãnh sẽ sống lại với Chúa trong thiên đàng.

Sự phán xét tín hữu được thực hiện nơi tòa án Đấng Christ. Ở đó, mỗi chúng ta nhận phần thưởng tùy công khó, tùy tâm tình hầu việc Chúa và phục vụ tha nhân.

Sự phán xét tội nhân được thực hiện tại tòa lớn và trắng. Đây là sự phán xét chung thẩm: (án phạt không cần phải tái xem xét) sự phán xét cá nhân, (mọi người ai riêng phần nấy) sự phán xét đầy đủ (mọi tư tưởng, lời nói, việc làm đều phơi bày) sự phán xét công bình, (Chúa không thiên vị ai).

Con cái Chúa sẽ được mặc lấy con người mới giống Chúa vinh hiển: Sẽ đời đời trong mối tương giao tuyệt vời trong thiên quốc. Sẽ nhận lãnh cơ nghiệp vinh hiển không ô uế, không hư đi và không suy tàn.

 

CHƯƠNG VII

CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

 

ĐIỀU 34: Những tôi tớ Chúa đã tốt nghiệp Thần học và được tấn phong Mục sư tại nước ngoài trở về nước, nếu có đơn xin phục vụ Chúa với Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam, thì Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng hội xét duyệt chương trình học của đương đơn. Nếu thấy thuận hiệp tín lý của Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam, thì xét quyết định công nhận Mục sư thực thụ và bổ nhiệm phục vụ tại Hội thánh địa phương hoặc các Ban ngành của Hội Thánh.

ĐIỀU 35: Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng hội có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Pháp luật Việt Nam về việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử giáo phẩm có yếu tố nước ngoài.

 

CHƯƠNG VIII

ĐIỀU KIỆN NGƯNG CHỨC, CÁCH CHỨC

ĐIỀU 36: NGƯNG CHỨC, CÁCH CHỨC

Thẩm quyền: Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng hội có quyền ngưng chức, cách chức các Mục sư, Mục sư nhiệm chức và Người hầu việc Chúa. Tùy theo mức độ nghiêm trọng mà ngưng chức hoặc cách chức các Mục sư, Mục sư nhiệm chức và Người hầu việc Chúa. Vi phạm điều răn, luật lệ Kinh Thánh, Dạy tà giáo, sống vô luân, vi phạm Hiến chương và các Nghị quyết của Đại hội toàn quốc.

Về Tín hữu, khi vi phạm Hiến chương của Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam và đi sai lệch Kinh Thánh. Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng hội ủy quyền cho Hội Thánh địa phương xử lý.

 

CHƯƠNG IX

ĐIỀU HÀNH, TU CHÍNH HIẾN CHƯƠNG,

THỂ THỨC TU CHÍNH, LỜI KẾT

 

ĐIỀU 37: ĐIỀU HÀNH

Thường Vụ và Hội Đồng Trưởng Nhiệm Tổng Hội sẽ điều hành Giáo Hội theo Hiến Chương này.

 

ĐIỀU 38: TU CHÍNH HIẾN CHƯƠNG

Chỉ có Đại Hội toàn quốc mới có quyền tu chính Hiến Chương.

 

ĐIỀU 39: THỂ THỨC TU CHÍNH

Mọi dự án tu chính Hiến Chương phải được 2/3 số đại biểu hiện diện trong Đại Hội chấp thuận mới có giá trị và thi hành.

 

ĐIỀU 40: LỜI KẾT

  • Bản Hiến Chương này gồm: Chín (09) chương, bốn mươi (40) điều được thi hành kể từ ngày 25/02/2020.
  • Đã được Ban Tôn Giáo Chính Phủ chấp thuận, Văn bản số: 113/TGCP-TL ký ngày 25/02/2020.
  • Tất cả những điều được ban hành từ trước trái với Hiến Chương này đều không còn hiệu lực.

 

Hóc Môn, ngày 01 tháng 3 năm 2020

GIÁO HỘI TRƯỞNG

Mục sư Đinh Thiên Tứ

GỐC