GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC
VỀ HỘI THÁNH LIÊN HỮU CƠ ĐỐC VIỆT NAM
“Tạ ơn Đức Chúa Trời vì sự ban cho của Ngài không xiết kể” (II Cô-rinh-tô 9:15).
Năm 1963 nhà thờ Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam (LHCĐVN) được xây dựng tại Hóc Môn, đến nay Hội Thánh đã hiện diện trên hầu khắp các tỉnh thành của Việt Nam.
Trải qua nhiều biến động, nhưng Hội Thánh vẫn ổn định, điển hình như Hội Thánh chỉ do hai nhà lãnh đạo: Vị Giáo Hội Trưởng đã về nước Chúa và Giáo Hội Trưởng đương nhiệm.
Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam luôn ước mong “theo kiểu mẫu Hội Thánh Tân Ước”.
Nền giáo dục Thần học của Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam theo gương Phao-lô: “dạy dỗ nhiều người” (Công-vụ 11:26). Chính chương trình Thần học Tinh tuyển: vừa học tại nhà, vừa có những ngày tập trung ôn bài và thi, đã tạo điều kiện cho rất nhiều người được học Lời Chúa, sẵn sàng cho công tác cứu người và nuôi người. Tuy rất chú trọng đến kiến thức Thần học, nhưng để được xét tấn phong Mục sư còn phải là người Tin Kính, Đạo Đức, Hiệu Quả và phải hơn sáu năm vừa học vừa hầu việc Chúa.
Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam không có mẫu hội, không khuôn rập theo cơ cấu tổ chức tây phương. Quyền tối cao của tổ chức thuộc Đại hội, không thuộc một lãnh tụ, không sùng thượng cá nhân. Tuy dân chủ, nhưng không thái quá: không nhiều tranh cãi nơi tôn nghiêm và không trao quyền “thuê – mời Mục sư” cho các tín hữu nhiều ảnh hưởng (có thể do có nhiều tiền). Chính Chúa Jêsus dạy: “người chăn đi trước, chiên theo sau” (Giăng 10:4).
Mỗi Hội Thánh địa phương được lãnh đạo bởi các Mục sư (Giám mục, Trưởng lão tuy ba chức danh nhưng chỉ một chức dịch). Hội Thánh thời Tân Ước, không nhiều hội chúng hàng trăm tín hữu, vì các tư gia không đủ rộng (Rô-ma 16:3-5; Cô-lô-se 4:15; Phi-lê-môn 1:1-2). Dù hội chúng không đông, vẫn được lãnh đạo theo “đội”, không theo “sao”. Người lãnh đạo quan trọng nhất không có khoảng cách lớn với những bạn đồng môn. Khi Hội Thánh cần phân lập, tại địa phương đã có sẵn lãnh đạo. Nếu nhân vật số một “mắc bệnh siêu sao” hay “có vấn đề”, sẽ không khó tìm người thay thế.
Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam không chịu nhiều ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân thực dụng tây phương:
Trong bối cảnh văn hóa Á Châu (Israel), Hội Thánh đầu tiên Tân Ước đã bắt đầu với gia phả, tức là nhấn mạnh đến mối liên hệ của người đang sống với các tiên hiền. Các tín hữu Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam tổ chức “lễ kỷ niệm”, qua đó đại gia đình có dịp nhắc lại những kỷ niệm đẹp, những gương lành của đấng sinh thành. Tuy nhiên, không thỉnh mời người quá cố về ăn cỗ hay hưởng hơi (hương). Trong nhiều lĩnh vực khác Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam luôn “Trung thành với chân lý Kinh Thánh, đồng hành với dân tộc, tuân theo Hiến pháp và Pháp luật”.