Cách đây ít lâu, giữa khuya, chúng tôi đang ngủ, bỗng cây đàn piano kêu inh ỏi những tiếng quái gở. Choàng dậy, tôi cẩn thận kiểm tra: cửa vẫn đóng kín. Tại sao? Bất chợt một con mèo nhảy lên bờ tường cao cạnh cây đàn để thoát ra ngoài. Thì ra…
Đang khi dỗ giấc ngủ tôi nhớ lại một câu chuyện đã đọc. Tại ngôi nhà thờ cổ kính ở Châu Âu, đang lúc ông từ giữ nhà thờ đánh đàn, có một người bước vào, đứng bên cạnh, sau đó, nài nỉ xin được đàn thử trên chiếc đàn nổi tiếng này. Hẳn nhiên là bị từ chối. người kia bền chí nài nỉ cho đến nỗi ông từ không thể từ chối nữa, nhưng ông rất kiên quyết: “Anh chỉ được đàn một khúc ngắn thôi nhé!”. Giữ đúng lời hứa. và rồi đứng dậy. Nhưng ông từ xởi lởi: “Anh cứ đàn thêm”. Sau một thì giờ dài, thật tuyệt vời, ông từ trân trọng hỏi: “Ông là ai?” – “Mendelsohn”.
Đời sống con người tựa như cây đàn có thể trỗi lên những tiếng quái gở, hoặc những khúc nhạc tầm thường; nhưng cũng có thể đạt đến trình độ tuyệt vời của âm thanh.
Pascal đã từng đặt vấn đề: “Tại sao tôi lại được đặt trong không gian, thời gian này? Trước tôi là khoản thời gian hàng tỷ năm dài, và khi tôi biến mất, thời gian cứ trôi vào vô định. Tôi chỉ là một chấm nhỏ trong vũ trụ bao la này. vũ trụ dường như không đếm xỉa gì đến tôi.”
Mỗi người chúng ta đều “không tự chọn để ra đời”, ta chỉ là “sản phẩm của một tình cờ”. Sau những năm tháng sống lệ thuộc vào gia đình, đến tuổi thành nhân ta cứ loay hoay trong lẩn quẩn: sáng thức dậy, đánh răng, rửa mặt, ăn sáng, đi làm, ăn chiều, giải trí, ngủ nghỉ. rồi sáng lại thức dậy đánh răng, rửa mặt, ăn sáng, đi làm. Không bao lâu “mới cậu mà nay đã cụ rồi”, lại lẩm cẩm, lại lệ thuộc vào lòng thương của kẻ khác và. “rồi qua đời” (Thánh Kinh – Sáng Thế Ký 5:5, 6, 11, 14,17, 20 27, 30); “cũng một kiếp người” với “vất vả, hối hả, buồn bã và. mồ mã” Ôi “trăm năm trong cõi người ta”. “Các triết nhân xưa thường ngắm sọ người để suy gẫm. Mưu đồ bá vương rốt lại chỉ là cái sọ vô danh. với cái vĩnh viễn, cái vô tận trôi đi mãi thì mình có là cái gì, chẳng là cái gì cả.”
Thật vậy, nếu cuộc sống chỉ duy trần gian, thì như nhận định của Vua Sa-lô- môn: “Ta đã thấy mọi việc làm ra dưới mặt trời; kìa, thảy đều hư ảo như luồng gió thổi… Hư ảo của sự hư ảo, thảy đều hư ảo ( Thánh Kinh – Truyền đạo 1:2, 14)
Ngày nay nhân loại đã văn minh tiến bộ về nhiều phương diện, nhưng chính những nơi được hưởng hòa bình lâu dài, được tự do, giàu có, trí thức… cũng là nơi đạo đức suy đồi, băng hoại; tỉ lệ người bất an, điên loạn, chán sống cũng cao nhất. Trước đây không lâu, nhiều người sùng thượng khoa học, bây giờ không ít người thất vọng thốt lên: “Với viễn cảnh những trái bom nguyên tử treo lơ lửng trên đầu, một chút hy vọng về tương lai cũng không có trong tôi”, “Xã hội loài người đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, chẳng khác nào một chiếc thuyền lạc lõng giữa biển cả đầy bối rối, lo âu”.
Trong cuộc tọa đàm, một người cả quyết: “Chết là chấm dứt mọi sự, là giã từ bóng tối, là giải thoát” – người kia đáp: “Phải, chết là chấm dứt mọi thú vui, mọi tham vọng, mọi cơ hội. và bắt đầu những dày vò, cắn rứt đời đời. Chết là “thoát khỏi đống tro tàn, rơi sang lò lửa hực”, “Chết là giã từ bóng tối cuộc đời, rơi vào bóng tối đời đời”.
Những bạo chúa, những kẻ đại ác, đã hưởng cuộc sống quyền uy, giàu có, trường thọ, phải chịu phán xét và bị khổ hình theo đúng luật quân bình của vũ trụ, theo công lý Thiên Thượng. Rồi những kẻ kém tội lỗi hơn … lại kém hơn, kém hơn. rốt lại, cũng chẳng ai xứng đáng vào chốn vĩnh phúc, vì ấy là nơi chí thánh. Can đảm hướng thẳng đến chốn vĩnh cư hay tránh né thì “sự cuối cùng vẫn đợi” (Phục Truyền 32:29b).
Nhìn thế giới quanh ta, đâu đâu cũng thấy những điều tuyệt mỹ, nhìn vào bản thân biết bao sự kỳ diệu, đôi mắt kỳ diệu, quả tim kỳ diệu, khối óc kỳ diệu. So với các sinh vật khác, loài người là tạo vật ưu mỹ nhất. Người xưa đã nhận thấy: “Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh”.
Rõ ràng, sự bất hạnh và đau khổ của con người không do bổn tâm “Đấng đã xếp đặt cho ta có mặt trên đời”.
Từ thuở ban đầu của lịch sử, tổ phụ loài người: A-đam và Ê-va được Thượng Đế chia sẻ sự vinh hiển và ban cho quyền uy quản trị mọi loài (Rô-ma 3:23;
Sáng Thế Ký 1:28). Nhưng họ đã vâng theo sự cám dỗ của Sa-tan, chìu theo tư dục, nghịch mạng Thượng Đế, họ ăn trái cấm. Những tưởng sẽ nên khôn ngoan bằng Thượng Đế, nhưng tham vọng ấy chỉ đẩy con người ra khỏi địa đàng và đắm chìm trong biển khổ.
Từ đó con người nỗ lực tự tìm đường về chốn chân hạnh phúc đã mất. Không ít người sẵn sàng tốn kém lễ vật và sống khổ hạnh. Như người bình dân cũng thấy: “Ăn của Trời, uống của Trời, thở của Trời, lâm nguy kêu Trời, chết phải chầu Trời. thế mà lấy hoa quả của Trời đem cúng thờ đấng khác thì mong gì hưởng được phước Trời”.
Jean Paul Sartre đã thừa nhận: “Con người không thể hạnh phúc khi họ chưa tìm ra được một nguyên nhân mà họ có thể chết cho nguyên nhân đó”.
Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng, Thượng Đế là “Nguyên nhân Đệ Nhất” là “Đấng không có bắt đầu để bắt đầu mọi sự”. Hạnh phúc của con người gắn liền với Thượng Đế. Ngài là “nguồn nước sống” mà con người đã lìa bỏ và tự tìm pháp môn riêng, ví như “tự đào lấy hồ, nhưng hồ nứt ra không chứa nước được” (Giê-rê-mi 2:13).
Một người cháu gái hỏi dì: “Nó bỏ nhà ra đi và sống đời trụy lạc, điếm nhục gia phong. Tại sao mỗi lần nhắc lại đứa con gái hư hỏng đó, dì lại khóc, nó đâu đáng cho dì yêu đến thế?”
Lau dòng nước mắt, người dì đáp: “Vì nó là con của dì”. “Thượng Đế vẫn yêu con cái Y-sơ-ra-ên, dẫu chúng nó xoay về các thần khác” (Ô-sê 3:1b). Tiên tri Ô-sê đã mượn hình ảnh người vợ lăng loàn để minh họa tội thờ thần khác của dân Y-sơ-ra-ên, là dân được Thượng Đế ban nhiều đặc ân.
Thượng Đế vẫn yêu nhân loại với “tình yêu mặc dầu”, tình yêu dành cho kẻ không xứng đáng. “Hỡi Thượng Đế, nếu Ngài cố chấp sự gian ác thì, Chúa ôi! Ai sẽ còn sống?” (Thi Thiên 130:3).
Con người tội lỗi thường nghĩ về Thượng Đế rất nghiêm khắc. “Trời phạt”, “Trời hành”, “ Trời đày”, “Trời tru, Trời diệt”. và rất sợ nếu phải “chầu Trời”
Chính Thượng Đế mặc khải về Ngài qua Kinh Thánh “Vì Đức Chúa Trời là tình yêu” (I Giăng 4:7, 16). Tình yêu gắn liền với bản thể Thượng Đế.
“Tình yêu nảy sinh hành động”:
“Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã tỏ ra trong điều này: Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến thế gian, để chúng ta nhờ Con được sống” (I Giăng 4:9).
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất, mà được sự sống đời đời”
(Giăng 3:16)
Vì “con người không thể xâm nhập vào cõi vô hạn” cho nên “Đấng vô hạn đã bước vào cõi hữu hạn”.
Đấng vô hạn, đã tự giới hạn mình trong một tế bào bé nhỏ. Đấng nâng đỡ vũ trụ đã trở nên một hài nhi. Đấng chủ tể muôn loài đã bắt đầu đời sống nhập thế nơi chuồng chiên thấp hèn, để những kẻ nghèo khó như những người chăn chiên có thể đến bên Ngài.
Không thể cảm thông nếu chỉ nhìn từ trên cao.
Một em bé bị tai nạn và chân bị cưa. Khi biết mình đã trở nên tật nguyền, em muốn chết. Không ai an ủi, động viên được em; cho đến một hôm, em được tiếp chuyện với một Mục sư. Sau đó em tuyên bố đã bỏ ý định tự tử. Cha mẹ em rất vui và ngạc nhiên, hỏi lý do. Em cho biết rằng: “Ông Mục sư này có duyên hơn các ông Mục sư khác.” Cha mẹ em vẫn chưa hiểu, em tiết lộ: “Ba mẹ không chú ý sao? Ông Mục sư ấy có một cái chân giả”.
Ngài cảm thương và tha thứ cho chính những kẻ đóng đinh giết Ngài. Trên thập tự giá Ngài cầu nguyện và biện hộ cho họ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì!” (Lu-ca 23:34).
Tại một nhà tù, một phạm nhân can tội giết người, trong lúc buồn, bất đắc dĩ anh mở Kinh Thánh Tân Ước ra đọc. Vốn không thích tôn giáo, với anh chỉ có: “Ân đền, oán trả”. Thế nhưng, càng đọc về Chúa Giê-xu, anh càng say mê. Đọc đến chỗ Chúa cầu thay cho kẻ đóng đinh Ngài, anh xúc động rơi nước mắt. Tâm trí anh trực nhận rằng, Chúa Giê-xu không phải là giáo chủ hay vĩ nhân, Ngài là Đấng Cứu Thế đến với người trần tội lỗi.
Theo luật của Thượng Đế, tội bội nghịch của con người đáng bị trầm luân. Chúa Cứu Thế đã đổ ra đến giọt huyết cuối cùng để thanh tẩy mọi tội chúng ta.
Tay dơ có thể rửa bằng nước, đôi trường hợp phải rửa bằng xà bông, có khi phải rửa bằng xăng. “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật và rất là xấu xa” (Giê- rê-mi 17:9). Chỉ có thể được thanh tẩy bởi huyết của Chúa Cứu Thế. “Huyết Chúa Giê-xu Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta” (I Giăng 1:7b).
Đỉnh cao của tình thương Thiên Thượng là Chúa chịu chết, gánh thay mọi tội của chúng ta.
Một Mục sư lái xe vượt quá tốc độ hạn định. Ông bị cảnh sát gọi lại và bị phạt. Khi đọc tên trên giấy tờ, người cảnh sát ngạc nhiên và hỏi: “Có phải ông là Mục sư?… Có phải mỗi tuần ông giảng trên đài phát thanh?” – “Phải” – “Ồ, rất hân hạnh được gặp Mục sư, những bài giảng của Mục sư đã giúp đỡ tôi nhiều lắm. nhưng thật tiếc. theo luật phải đóng tiền phạt”. Khi Mục sư trao tiền để nhận biên lai, anh cảnh sát ngăn lại: “Thôi, khỏi!” và anh lấy tiền ghim vào sổ. Đã vậy anh còn nói: “Gần đây có một nhà hàng ăn được lắm, mời Mục sư.”
Sau bữa tiệc đặc biệt ấy ông Mục sư đã kể lại câu chuyện này trên tờ báo mà ông làm chủ bút với câu kết: “Đây cũng là cách Đức Chúa Trời đối xử kẻ có tội như tôi”. Chúa Giê-xu đã chịu thay án phạt đáng lý tôi phải chịu. “Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời”. (Hê-bơ-rơ 3:18). “Vả họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành. Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.” (Rô-ma 5:7-8)
Tình yêu thương kỳ diệu của Chúa Cứu Thế không chỉ có tính pháp lý (đáp ứng công lý Thiên Thượng) mà chúng ta còn có thể kinh nghiệm tình yêu dịu ngọt ấy. Vì Chúa Cứu Thế đã đắc thắng sự chết, Ngài sống lại và sống đời đời. Ngài biến đổi đời sống bất an, đau khổ, buồn thảm. trở nên bình an, ngọt ngào, vui mừng, sung mãn, phước hạnh. “Vậy nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ qua đi, này mọi sự đều trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).
Một thân hữu được một người bạn tặng cho quyển Phúc Âm Giăng. Vài ngày sau, thân hữu này chất vấn: “Người trí thức như anh mà tin phép lạ à? Anh có thật tin ông Giê-xu đã hóa nước thành rượu?” – Người kia đáp: “Tôi còn thấy Chúa Giê-xu hóa rượu thành bàn ghế. đây này! Đời sống tôi vốn nghiện ngập, quậy phá, xấu xa, đã được Chúa đổi mới.”
Chúa vẫn đang dang rộng vòng tay kêu gọi: “Hãy trở về, Ta không lấy nét mặt giận mà nhìn ngươi đâu.” (Rô-ma 10:21b; Giê-rê-mi 3:12b)
“Ta đã xóa sự phạm tội ngươi như mây đậm, và tội lỗi ngươi như đám mây. Hãy trở lại cùng Ta, vì Ta đã chuộc ngươi” (Ê-sai 44:22)
Nếu những điều này phản ánh đúng tâm trạng của bạn và bạn quyết tâm thờ phượng Thượng Đế, mời Chúa Cứu Thế ngự trị nơi ngai lòng, bạn hãy tỏ đôi lời cầu nguyện, đại ý như sau:
“Lạy Đức Chúa Trời, Cha Thiên Thượng của con, bao năm qua con trôi lạc xa cách Cha, con đắm chìm trong tội lỗi, bất an, đau khổ; nay con ăn năn, quyết tâm trở về với Cha. Chúa ôi! xin thương xót con, xin tha thứ tội bội nghịch của con.Con tin cây Chúa Cứu Thế Giê-xu và phó thác đời song con cho Chúa. Nguyện xin huyết báu của Chúa thanh tầy tâm linh con, vô hiệu hóa mọi quyền lực vô hình đã trói buộc con. Xin Chúa mãi mãi ngự trị nơi ngai lòng của con và đổi mới đời song con, giúp con mỗi ngày càng giống như Chúa.
Xin Đức Thánh Linh luôn luôn soi sáng, hướng dẫn con trên mọi bước đường cho đến ngày con bước vào nước thiên đàng vinh hiển.”
Con cầu nguyện bấy nhiêu lời. Nhân Danh Thánh Chúa Giê-xu Christ, A- men!”
Hy vọng rằng bạn không do dự. Người xưa nhắc nhở: “Thành tại quả quyết, bại tại dụ dự” – “Dụ dự thì bất thành sự”, “Đời người được quyết định bởi vài cái gật đầu hay lắc đầu”. Ngay bây giờ, bạn được trở nên “con Vua Thánh trên trời” hay sẽ “khóc lóc, nghiến răng suốt cõi đời đời”, tất cả đều tùy thuộc quyết định kịp thời của bạn.
Một thiếu nữ đã hứa nguyện dâng mình cho Chúa trở nên nhà truyền giáo. Nhưng cô cứ lần lữa theo tháng năm. Một ngày kia cô lâm bệnh. Tại bệnh viện, chấp sự linh hướng của cô đến thăm, với bó hoa trên tay. Ông thăm hỏi rồi mang bó hoa đi. Ngày thứ hai ông cũng lặp lại như vậy. Mãi đến ngày thứ ba. ông mới trịnh trọng cầm bó hoa héo trao tặng cô. Cô tức giận đến trào nước mắt và lấy tay đẩy bó hoa ra. Ông chấp sự nhẹ nhàng ứng dụng: “Tôi muốn nhắc lại lời hứa nguyện của cô, cô đợi đến bao giờ? Đến khi cuộc đời đẹp đẽ héo tàn mới dâng cho Chúa sao?”
Chúa muốn cứu bạn và rồi qua bạn nhiều người được cứu và được phước. Rất mong bạn quyết định ngay hôm nay.